* Thưa ông, ông có thể khái quát những hoạt động của Vụ đã thực hiện từ khi thành lập đến nay?
Từ khi mới thành lập, Vụ chỉ có 5 công chức trong đó có 3 cán bộ lãnh đạo và 2 chuyên viên. Đến quý 4 năm 2007, Vụ được bổ sung 2 chuyên viên, 1 cán bộ hợp đồng và vẫn chưa có các phòng chuyên trách để quản lý 3 lĩnh vực của Vụ. Trước những khó khăn về nhân sự cũng như tổ chức khi mới thành lập, trong năm 2008, Vụ chưa kịp soạn thảo và ban hành các văn bản pháp quy để quản lý thống nhất. Những nhiệm vụ khoa học, công nghệ, Vụ đã thực hiện theo kế hoạch năm của các lĩnh vực từ khi sáp nhập Bộ. Kế hoạch KHCN năm 2009 cũng đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó, Vụ còn thực hiện gấp một số nhiệm vụ phát sinh, để tránh ảnh hưởng đến việc hoàn thành kế hoạch công tác năm.
* Được biết Vụ đang xây dựng nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ năm 2010, định hướng cho giai đoạn 2011 - 2015 của Bộ VH,TT&DL, xin ông cho biết những nét chính về vấn đề này?
Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ năm 2010, định hướng cho giai đoạn 2011 - 2015 của Bộ VH,TT&DL nhằm mục đích nâng cao công tác quản lý nhà nước của Bộ về chất lượng trong các lĩnh vực văn hoá, gia đình, TDTT và du lịch. Đồng thời đề ra các giải pháp để tạo sự chuyển biến căn bản trong quản lý nhà nước cũng như các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác xã hội hoá hoạt động VH,TT&DL. Tất cả các yêu cầu và nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đó được xây dựng còn với một mục đích là làm động lực để phát triển các đơn vị trực thuộc Bộ.
Để xây dựng các nhiệm vụ và định hướng đó một cách thiết thực, có hiệu quả, Vụ đã tổ chức Hội nghị nhằm tổng hợp, tiếp thu những ý kiến đóng góp của các Ban, ngành, đơn vị khác.
* Xin ông cho biết cụ thể về nhiệm vụ khoa học riêng đối với ngành TDTT
Đối với lĩnh vực TDTT, Vụ đã đưa ra 3 nhiệm vụ khoa học, gồm: nghiên cứu các giải pháp để đưa TDTT quần chúng và các môn Võ dân tộc vào trường học, góp phần tạo tính cách, nâng cao bản lĩnh văn hoá và thể chất đối với sự phát triển toàn diện nhân cách con người Việt Nam trong giai đoạn mới.
Thứ hai, đó là nghiên cứu cụ thể về chiến lược phát triển thể thao thành tích cao trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến về đào tạo và huấn luyện VĐV. Đồng thời liên kết, hợp tác với các nước có nền thể thao phát triển để nghiên cứu và đào tạo nhân tài thể thao cho đất nước.
Thứ ba là nghiên cứu về lĩnh vực y sinh học và các chất bổ dưỡng trong đào tạo VĐV thể thao thành tích cao.
* Xin ông cho biết nhiệm vụ phát triển công nghệ trong thời gian tới của Bộ VH,TT&DL là gì, thưa ông?
Về vấn đề này, Vụ cũng đã xây dựng 5 nhiệm vụ. Cụ thể, đó là nghiên cứu ứng dụng các thành tựu của khoa học, công nghệ tiên tiến tiếp nhận từ nước ngoài vào Việt Nam và tiến tới sáng tạo các công nghệ đặc thù của Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu tiên tiến, công nghệ tự động hoá dùng trong công nghệ của ngành điện ảnh, sân khấu, hội hoạ, bảo tồn bảo tàng, các công trình, thiết bị phục vụ cho du lịch, thể thao...
Đó còn là nhiệm vụ áp dụng những công nghệ trong việc xây dựng các ngân hàng dữ liệu phục vụ công tác quản lý Nhà nước ở các lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình; hỗ trợ công tác đào tạo trong các trường Đại học, Học viện của ngành, lĩnh vực quy hoạch phát triển Du lịch.
Các tiến bộ khoa học kỹ thuật sẽ được áp dụng đối với lĩnh vực TDTT, đặc biệt là thể thao thành tích cao. Đồng thời, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực trưng bày, bảo quản, phục chế hiện vật của hệ thống bảo tàng và di tích.
Đối với ngành Điện ảnh, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh sẽ áp dụng và chuyển giao kỹ thuật công nghệ tiên tiến.
* Với cương vị là người quản lý của đơn vị mới thành lập, ông có mong muốn gì nhằm thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của Vụ?
Đúng vậy, là đơn vị mới được thành lập, một số vấn đề chưa được ổn định và còn gặp những khó khăn. Với cương vị người quản lý, tôi cho rằng để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao, trước hết cần phải xây dựng 3 cơ quan nghiên cứu đầu ngành với tiềm lực nghiên cứu khoa học mạnh, là trụ cột của ngành về nghiên cứu chiến lược, chính sách và những vấn đề lớn mang tầm quốc gia và Viện đầu ngành trực thuộc trực tiếp Bộ quản lý.
Tiếp đền cần đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại cho các cơ sở nghiên cứu của ngành. Đặc biệt là các Viện nghiên cứu khoa học tiên tiến và khả năng chuyển giao ứng dụng kết quả nghiên cứu và cộng nghệ mới vào thực tiễn. Bên cạnh đó, việc mở các lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho cán bộ nghiên cứu là rất cần được thực hiện Trong đó, đặc biệt là những phương pháp nghiên cứu khoa học tiên tiến và khả năng chuyển giao ứng dụng kết quả nghiên cứu và công nghệ mới vào thực tế.
Một vấn đề tôi cho rằng cần thiết được thực hiện, đó là nên chia cấp độ nghiên cứu khoa học cấp Bộ làm 2 cấp. Cấp thứ nhất là các đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Bộ và cấp thứ hai là các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ. Việc phân chia như thế đảm bảo nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học cho các đơn vị và các nhà khoa học trẻ.
Còn một vấn đề nữa, đó là mối quan tâm của các cán bộ khoa học thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu là cần có cơ chế khuyến khích, động viên các nhà khoa học trên cơ sở đánh giá cao các công trình nghiên cứu sáng tạo của họ; đồng thời cũng cần có cơ chế tài chính hợp lý để cho các nhà khoa học chuyên tâm nghiên cứu sáng tạo. Đối với họ, việc nghiên cứu là niềm đam mê, song cũng cần phải có cơ chế phù hợp để đảm bảo việc tiếp tục niềm đam mê đó.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
Hồng Xiêm thực hiện