Được coi là Ngọn cờ đầu của ngành TDTT, niềm vinh dự, tự hào cũng như niềm vui, nỗi buồn của NHM thể thao nước nhà phụ thuộc phần lớn vào sự phát triển và thành tích của các môn thể thao mà Vụ thể thao thành tích cao I (TTTTC I) quản lý. Năm 2006 khép lại, mặc dù chưa đạt được mục tiêu tại sân chơi lớn ASIAD, song những thành công mà Vụ TTTTC I đạt được trên các mặt như: đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho trọng tài, bồi dưỡng HLV, tổ chức và điều hành tốt công tác đào tạo VĐV, tập huấn nước ngoài... rất đáng biểu dương.
Công tác đào tạo HLV, VĐV tài năng là nhiệm vụ chủ chốt nhằm bổ sung trực tiếp lực lượng VĐV có trình độ cho đội tuyển quốc gia tham dự các giải đấu quy mô lớn, Vụ TTTTC I đã phối hợp với các Trung tâm HLTT Quốc gia I, II, III, Trường Đại học TDTT I và một số địa phương có sơ sở vật chất kỹ thuật tiên tiến, hiện đại đào tạo được 250 VĐV ở các môn: Karatedo, Wushu, Thể hình nam, Bắn súng, Bơi lội, Điền kinh..., tổ chức tập huấn cho 420 VĐV, 79 HLV và 21 chuyên gia các đội dự tuyển Quốc gia tập huấn tại Trung Quốc, Nga, Đài Loan, Đức, Na Uy...
Đặc biệt, trong năm 2006, Vụ TTTTC I đã tổ chức cho 54 đoàn tham dự các cuộc thi quốc tế với 313 VĐV, 64 HLV, 37 trọng tài, cán bộ, chuyên gia của 30 môn thể thao và đạt được những thành tích vang dội như: 1 HCV, 1HCB, 3 HCĐ (giải Vô địch thế giới, Cúp thế giới); 3 HCV, 2 HCĐ (giải Vô địch trẻ thế giới); 2 HCV, 3 HCB, 6 HCĐ (giải Vô địch Châu Á); 5 HCV, 4 HCB, 16 HCĐ (giải Vô địch trẻ Châu Á); 44 HCV, 23 HCB, 17 HCĐ (giải Vô địch ĐNA); 70 HCV, 37 HCB, 146 HCĐ (giải Vô địch trẻ ĐNA); 34 HCV, 12 HCB, 25 HCĐ (giải Quốc tế mở rộng); 3HCV, 13 HCB, 7 HCĐ (ASIAD 15).
Danh sách các VĐV đạt đẳng cấp Kiện tướng, dự bị kiện tướng, cấp I quốc gia ngày càng nhiều. Số lượng các VĐV phá kỷ lục quốc gia và khu vực cũng đã tăng mạnh (2 kỷ lục ĐNA ở môn Điền kinh, Cử tạ và 50 kỷ lục quốc gia đã được thiết lập trong năm 2006). Điều này phần nào chứng tỏ hiệu quả trong công tác huấn luyện thể thao thành tích cao tại các địa phương cũng như chất lượng các giải đấu quốc gia đã được nâng lên rõ rệt.
Năm 2006, cũng là năm đánh giá thành công trong công tác chống tiêu cực, gian lận tuổi trong thi đấu tại các địa phương của Vụ TT TTC I, không chỉ tạo điều kiện tốt để góp phần tuyển chọn chính xác tài năng thể thao cho đất nước mà qua đó nêu cao trọng trách giáo dục chính trị - tư tưởng đối với mỗi cá nhân hoạt động TDTT.
Trong điều kiện số lượng cán bộ của Vụ có hạn, khối lượng công việc được giao ngày một nặng nề thì việc đạt được kết quả như trên là rất đáng biểu dương. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đó, lãnh đạo và tập thể cán bộ Vụ TTTTC I cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong công tác xã hội hoá TDTT; giải quyết tiến độ công việc đôi khi còn chậm; công tác đào tạo HLV, trọng tài còn bị động chưa có thay đổi về nội dung và hình thức cho phù hợp với tình hình thực tế; thành tích một số môn thể thao chưa ổn định...
Để khắc phục những hạn chế trên, nhiều giải pháp mới có tính khả thi được đặt ra trong phương hướng, nhiệm vụ năm 2007 - một năm với nhiều sự kiện trọng đại như các giải Vô địch quốc gia, SEA Games 24 và giải thuộc hệ thống khu vực và Châu lục, quyết tâm thực hiện chỉ tiêu đề ra, trở thành 1 trong 3 nước dẫn đầu SEA Games 24 tại Thái Lan.
Xuân Nhi