Trong những ngày cuối tháng 8 vừa qua, Liên đoàn thể thao người khiếm thị Thế giới (IBSA), Hiệp hội Thể thao người khuyết tật Việt Nam và Sở TDTT TP Hồ Chí Minh cùng phối hợp tổ chức Giải vô địch Bóng đá người khiếm thị Châu Á lần thứ I năm 2005 tại Nhà thi đấu Tân Bình (TP Hồ Chí Minh).
Do Trung Quốc và Thái Lan vắng mặt vào giờ cuối nên tham dự giải lần này chỉ có 3 đội: Nhật Bản, Hàn Quốc và đội chủ nhà Việt Nam. Đội thắng sẽ đại diện cho Châu Á tham dự Paralympic 2008 tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Cơ sở vật chất được chuẩn bị rất chu đáo đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn giành cho người khiếm thị: sân được bao bọc bởi những hàng rào bảo hộ gắn cao su, bốn phía khán đài đều được treo bảng "Xin giữ yên lặng" giúp các VĐV nghe được tiếng kêu của quả bóng (bóng dùng cho người khiếm thị có thể phát ra âm thanh để VĐV có thể định vị). Trước thi đấu, các VĐV cũng được trang bị vòng mút trên đầu để bảo vệ khi va chạm. Đảm bảo khách quan, công bằng và tránh chấn thương, các VĐV còn được dán băng che mắt (trừ thủ môn là người bình thường không phải là người khuyết tật). Giải áp dụng luật của môn Futsal (bóng đá 5 người).
Các cầu thủ bóng đá khiếm thị Việt Nam chủ yếu được tuyển chọn từ Trường Nguyễn Đình Chiểu (TP Hồ Chí Minh) và Chùa Kỳ Quang II gồm 10 VĐV và 3 HLV. Dù không ghi được bàn thắng nào nhưng điều quan trọng là các cầu thủ của chúng ta đã thi đấu rất tự tin, hồn nhiên, trong sáng và đầy quyết tâm, thể hiện tinh thần đoàn kết cao. Sau khi giải kết thúc, BTC đã lựa chọn những cầu thủ khiếm thị Việt Nam có triển vọng: Nguyễn Anh Tuấn (tiền đạo), Phạm Ngọc Giang (thủ môn).
Cùng với sự đi lên của phong trào thể dục thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao, thể thao người khuyết tật ngày càng được ngành TDTT và xã hội đặc biệt quan tâm, đầu tư phát triển. Đây là giải Bóng đá đặc biệt của khu vực lần đầu tiên được tổ chức mang đậm tính nhân văn sâu sắc, đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp xã hội, đồng thời tạo một sân chơi bổ ích, động viên tinh thần cho những người khuyết tật nói chung và những người khiếm thị nói riêng, giúp họ vượt lên những mất mát, hoà nhập cùng cộng đồng.
HX