"Mình rất thèm cảm giác thi đấu và mong chờ từng ngày để được trở lại những giải đấu lớn. Tình hình dịch COVID-19 căng thẳng khiến mình cùng đồng đội rất lâu nghỉ thi đấu. Nhiều người còn mất ăn mất ngủ vì mong tới ngày được tham dự những giải đấu như trước."
Đó là nỗi niềm của Đinh Thị Bích - vận động viên môn điền kinh đang tập luyện tại Trung tâm huấn luyện Thể thao Quốc gia tại Hà Nội.
Cô gái từng giành huy chương vàng ở SEA Games 30 bộc bạch rằng khoảng thời gian ban đầu khi dịch mới bùng phát giúp bản thân có thêm thời gian tích lũy kinh nghiệm hay hồi phục chấn thương. Tuy nhiên, không được thi đấu thời gian dài làm cô mất đi cảm giác thi đấu và xuống phong độ.
Gần hai năm qua, nhiều vận động viên thể thao đỉnh cao như Bích đã không được thi đấu thường xuyên bởi dịch COVID-19 khiến mọi thứ đều phải hoãn lại. Guồng quay của họ chỉ xoay quanh việc nỗ lực tập luyện mà chưa biết tới bao giờ mới được thi đấu ở giải khu vực hay châu lục.
Mỗi lần giãn cách xã hội là một lần vận động viên bị "cấm trại," chỉ tập luyện khép kín tại trung tâm đào tạo. Việc luyện tập tưởng chừng như "càng nhiều càng tốt" nay đã trở nên nhàm chán, thậm chí còn gây ảnh hưởng tới phong độ và tâm lý thi đấu.
Vận động viên Nguyễn Văn Trí ở môn Pencak Silat cũng có tâm tư như thế. Người từng giành 3 huy chương vàng tại ASIAD 2018 tỏ ra tiếc nuối khi bỏ lỡ nhiều giải đấu của quốc tế trong gần hai năm qua.
"Hai năm vừa qua, mình không được thi đấu cọ sát ở những trận đấu đỉnh cao với những đối thủ được xem là hàng đầu của khu vực và quốc tế. Mình chỉ có những trận đấu quốc nội với 2 giải Vô địch Quốc gia và 1 giải cúp các câu lạc bộ. Hiện tại luật của môn Pencak Silat đã có nhiều thay đổi nên mình rất muốn được cọ sát với các đối thủ từ quốc gia mạnh để được học hỏi và trau dồi thêm đòn thế và kĩ năng, qua đí hoàn thiện bản thân và trở lại một cách mạnh mẽ hơn," Nguyễn Văn Trí chia sẻ.
Tâm trạng của Bích và Trí đại diện cho đa số vận động viên đang duy trì tập luyện mà chưa được thi đấu. Song đó cũng là nỗi niềm của những huấn luyện viên.
Huấn luyện viên Trương Minh Sang của đội tuyển Thể dục dụng cụ cho hay: "Nghỉ thi đấu trong thời gian dài khiến vận động viên bị ảnh hưởng tới phong độ và tâm lý. Chỉ tập luyện nhiều quá cũng không tốt. Nếu có giải đấu đỉnh cao nào đó thì sẽ thực sự tốt cho vận động viên."
Chính vì chỉ tập luyện trong thời gian dài đòi hỏi những “thầy giáo bộ môn” không ngừng thay đổi giáo án tập luyện để cho phù hợp với từng thời điểm.
Huấn luyện viên Trương Minh Sang cho biết đã phải tính toán bài tập hợp lý cho đội tuyển Thể dục dụng cụ trong khi cũng phải xác định tư tưởng tập luyện cho vận động nhằm tránh “nhàm chán” đồng thời vẫn đảm bảo những bài kiểm tra để duy trì phong độ cao.
Với khát khao được thi đấu trở lại, vận động viên lại thêm kỳ vọng vào những giải đấu thể thao đang cận kề trong năm 2021 là SEA Games 31 và Olympic Tokyo.
“Mình rất chờ đợi SEA Games 31 vì được thi đấu trên sân nhà. Nếu đại hội thể thao bị hoãn thật thì mình buồn lắm nên chỉ mong tình hình dịch được kiểm soát để mọi kế hoạch đúng với dự định,” Bích nói.
Còn Nguyễn Văn Trí tâm sự: “Mình buồn nếu đại hội bị hoãn. Nhưng các vận động viên đội Pencak Silat vẫn luôn đặt mục tiêu cho bản thân là cố gắng phấn đấu tập luyện từng ngày, chờ đợi đến khi có quyết định chính thức từ ban lãnh đạo. Mục tiêu tiêu ở SEA Games lần này là luôn giữ vững phong độ và phấn đấu để đạt thành tích cao nhất, mang về vinh quang, niềm tự hào cho nước nhà.”
Thể thao Việt Nam đã có những bước tiến dài những năm qua để tiệm cận với trình độ Olympic bằng nhiều giải đấu tầm châu lục và thế giới để không còn phụ thuộc vào SEA Games 31.
Song Đại hội thể thao Đông Nam Á vẫn là sân chơi quan trọng với nhiều vận động viên. SEA Games 31 vào cuối năm nay là cơ hội để họ quay trở lại thi đấu đỉnh cao sau gần hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Hơn hết, đại hội sẽ diễn ra chính tại Việt Nam sau gần 18 năm nên niềm khát khao “giành vàng” trên chính quê hương của mỗi vận động viên lại càng thêm lớn./.
Hiển Nguyễn