Sau những cố gắng không biết mệt mỏi, Chile đã vượt qua Argentina để giành quyền đăng cai VCK World Cup năm 1962. Cho dù trước đó 2 năm, đất nước Nam Mỹ này đã phải chịu một cơn địa chấn khủng khiếp nhất trong lịch sử.
World Cup 1962 có 56 đội bóng tham dự vòng loại và được chia theo các châu lục để chọn ra 14 đội vào vòng chung kết cùng với nước chủ nhà Chile và đội đương kim vô địch thế giới Brazil. Ở vòng chung kết, 4 đội hạt giống là Brazil, Anh, Italia và Uruguay được chia vào 4 bảng và cũng như thể thức cũ, hai đội đứng đầu mỗi bảng sẽ vào tứ kết.
Đây là lần đầu tiên World Cup không tổ chức các trận play-off để xác định những đội vào tứ kết khi một bảng đấu có hai đội bằng điểm nhau thay vào đó là luật tính bàn thắng trung bình ghi được mỗi trận, do đó ở bảng 4, Anh được đi tiếp thay vì Argentina.
Tại kỳ World Cup được tổ chức lần này ngoài Italia sớm về nước. Hai đội mạnh khác cũng chung số phận là Uruguay và Argentina. Uruguay xếp dưới Liên Xô và Nam Tư ở bảng 1, còn Argentina xếp dưới Anh và Hungary ở bảng 4. Tây Ban Nha đứng chót bảng 3, chẳng những nhường vé cho Brazil, Chile mà còn đứng dưới cả Mexico. Suốt vòng bảng, chỉ có trận hòa 4-4 giữa Liên Xô và Colombia là đáng xem.
Tiệp Khắc vào chung kết sau khi lần lượt thắng những người bạn láng giềng là Hungary (1-0 ở tứ kết) và Nam Tư (3-1 ở bán kết). Còn Brazil thắng Anh 3-1 ở vòng tứ kết, trong một trận đấu mà đội bóng của quê hương bóng đá đã thể hiện hết phong độ vốn có. Vào bán kết, Brazil lại thắng Chile 4-2 khá dễ dàng.
Sự tỏa sáng của Garrincha đưa Brazil giành Cúp Vàng lần thứ 2
Trước khi VCK diễn ra, rất nhiều CĐV Brazil hy vọng vào sự toả sáng của Pele. Nhưng “Vua bóng đá” trở thành người ngoài cuộc chỉ sau 2 trận đấu khi dính chấn thương trong cuộc đối đầu giữa Brazil và Tiệp Khắc.
Nhưng rất may, cho dù không có Pele, nhưng Brazil vẫn còn có “phù thủy” Garrincha với những pha đi bóng đầy ma thuật. World Cup 1962 chính là những năm tháng đỉnh cao nhất của Garrincha, huyền thoại của Botafogo đã dẫn dắt Selecao vào đến trận đấu cuối cùng bằng phong độ cực kỳ chói sáng và đóng góp đến 4 bàn thắng cho Brazil. Trong trận chung kết dù không thể ghi được bàn thắng nào nhưng Garrincha đã kiến tạo 2 đường chuyền đẹp mắt cho các đồng đội ghi bàn. Selecao sau đó vượt qua Tiệp Khắc với tỉ số 3-1 trong trận chung kết và bảo vệ thành công chức vô địch thế giới.
Bên cạnh việc Brazil bảo vệ thành công ngôi vô địch, World Cup 1962 bị hoen ố bởi những trận cầu bạo lực. Mới qua 3 loạt đấu, tức là phân nửa vòng bảng, báo chí địa phương đã ghi nhận 34 ca chấn thương, chỉ tính những vụ nghiêm trọng khiến nạn nhân không thể tiếp tục chơi bóng. Đỉnh điểm của bạo lực sân cỏ là trận "đấu võ" trên sân Santiago giữa Italia và chủ nhà Chile. Đây cũng được xem là kỳ World Cup không bàn thắng đẹp, không trận cầu hay.
Nhưng bù lại, World Cup 1962 lại đạt được một bước tiến mới trong chiến thuật bóng đá. Đây chính là kỳ World Cup của sơ đồ chiến thuật 4-3-3. Giống như bóng đá hiện đại, World Cup 1962 cũng dồn người vào hàng tiền vệ để cố làm chủ khu trung tuyến, hòng chiếm lĩnh thế trận cũng như bảo vệ cho hàng phòng ngự. Ngay cả Brazil, đội luôn được xem là biểu tượng tấn công cũng kéo bớt một tiền đạo về hàng tiền vệ, để khu vực giữa sân trở nên dày dặn hơn.
Ngoài Brazil, còn có rất nhiều đội khác chơi 4-3-3 tại World Cup 1962 như Đức, Italia và Tây Ban Nha. Ngay sau kỳ World Cup này, sân cỏ châu Âu đã tràn ngập cách chơi 4-3-3, mà thành công của Inter Milan là một ví dụ.