1. Khi VFF khóa 7 ra mắt công chúng, về cơ bản ai cũng mừng. Trước đây, ai cũng lo VFF chỉ là “cánh tay nối dài” của Tổng cục TDTT, một chỗ để những người về hưu có chỗ nhận lương và “luân chuyển cán bộ” cho cơ quan quản lý nhà nước. Dàn lãnh đạo của VFF khóa 7 thì ngoài cựu Tổng thư ký là ông Trần Quốc Tuấn trước đó mang hàm Vụ trưởng, 3 người còn lại đều đúng nghĩa là “dân ngoại đạo”. Chưa bao giờ mức độ "xã hội hóa” VFF lại cao đến như vậy nếu chúng ta cộng thêm Công ty VPF ra đời trước đó 3 năm. Nhưng giờ kiểm điểm lại, hơn 1 năm làm việc của khóa 7, xem ra mọi chuyện chẳng khác trước.
Ví dụ như bầu Đức, ông chủ của tập đoàn đa ngành, đã thật sự cống hiến gì chưa ngoài việc đầu tư cho U.19 Việt Nam mà thực chất, là đội U.19 của HA.GL. Ở góc độ tài chính, lĩnh vực mà bầu Đức là “tổng tư lệnh”, VFF không hề có nguồn thu thêm. Suốt 1 năm qua, đội tuyển quốc gia không có nhà tài trợ mới ngoài Honda, đội tuyển nữ cũng vẫn là BIDV trong khi áo thi đấu của đội tuyển rơi từ Nike xuống còn Grand. Đội U.19 có NutiFood mà đơn vị này sau đó “hạ cánh” xuống đội HA.GL của… bầu Đức.
Ông Lê Hùng Dũng suýt nữa là không đủ tiêu chuẩn để trở thành Chủ tịch VFF vì… không có đơn vị chủ quản do ông về hưu tại SJC. Tuy nhiên, chức danh Chủ tịch Eximbank là cơ sở để người ta bầu cho ông bởi nói cho cùng, chủ tịch một ngân hàng cũng “ghê gớm” lắm. Ngay ngày nhậm chức, ông Dũng tuyên bố sẽ kiếm 383 tỷ đồng/năm cho bóng đá Việt Nam nhưng ngay 3 giải đấu do VPF phụ trách thì tổng doanh thu còn chưa đến 80 tỷ đồng, chẳng biết 300 tỷ còn lại ở đâu khi từ đầu năm 2015 đến nay, cả đội tuyển quốc gia và U.23 chỉ lòng vòng tập huấn trong nước.
2. Chuyện tiền bạc rất nhạy cảm. Có thể kế hoạch là một chuyện chứ kiếm tiền trong thời buổi hiện nay không dễ. Bản thân ông Dũng, ông Đức cũng vất vả với việc riêng nên cũng khó chu toàn việc xã hội tại VFF.
Thật ra, người ta hy vọng cái tính chất “xã hội hóa” cao ở VFF không phải để kiếm tiền mà cái cần thiết là tạo động lực thu hút đầu tư cho bóng đá. Tuy nhiên, từ đầu khóa 7 đến nay, ngoài sự xuất hiện của Toyota tại V-League thì bóng đá Việt chỉ mất chứ không được. Đơn cử, giải U.15 và U.19 năm 2015 không có tài trợ chính, giải U.17 là lần cuối cùng Báo Bóng đá của VFF đăng cai. Những giải đấu còn lại, từ bóng đá sân cỏ đến futsal trên thực tế cũng chỉ là tiền của những người đã có mặt từ rất lâu rồi.
Ở phương diện khác, nếu như V-League xuất hiện một FLC tài trợ cho Thanh Hóa thì lại “mất” một loạt nhà tài trợ khác tại Hải Phòng, Đồng Nai, Cần Thơ… Cứ nhìn giải hạng Nhất thì biết, hoàn toàn không có một doanh nghiệp mới nào đầu tư vào bóng đá cả. Vậy thì uy tín xã hội cũng như trên thương trường của ông Dũng, ông Đức ở đâu? Lúc bóng đá Việt khó khăn như thế này, người ta mới cần uy tín cá nhân chứ như thời 2006-2009 thì bộ máy VFF cũ vẫn “làm ăn" rất ổn, đâu cần "xã hội hóa” tổ chức này làm gì?
3. Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã ngồi đến 4 khóa, từ chỗ chỉ là ủy viên ở khóa 3, trở thành phó chủ tịch các khóa 5, 6 và chủ tịch khóa 7. Xét về bề dày kinh nghiệm, không ai có thể cống hiến cho bóng đá Việt tốt hơn ông. Tuy nhiên, ngay năm đầu tiên của nhiệm kỳ mà ông làm chủ tịch, bóng đá Việt Nam lại đối diện với những cơn sóng gió và bộc lộ những tồn tại không khác gì trước đây. Nó cho thấy tiến trình xã hội hóa bộ máy VFF đã diễn ra không đúng thực chất, thậm chí còn gây cản trở cho sự đóng góp của giới chuyên môn. Vì lẽ đó, rất nhiều ý kiến cho rằng, trước khi muốn làm lại cái gì cho nền bóng đá thì điều quan trọng nhất vẫn là xây dựng bộ máy điều hành tại VFF cho đúng với tiêu chí của một tổ chức xã hội – nghề nghiệp.
Theo thethaovietnam.vn