|
Việt Nam đã chuyển từ mô hình nhà nước tổ chức các hoạt động tác nghiệp TDTT
sang mô hình kết hợp nhà nước và xã hội tham gia tổ chức các hoạt động tác nghiệp TDTT
(Ảnh: M Đăng) |
Đó là các mô hình: nhà nước trực tiếp tổ chức các hoạt động tác nghiệp TDTT, xã hội tổ chức các hoạt động tác nghiệp về TDTT, nhà nước và xã hội cùng tham gia tổ chức hoạt động tác nghiệp TDTT. Mỗi loại hình đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định.Mô hình nhà nước tổ chức các hoạt động tác nghiệp TDTT
Nhà nước thiết lập cơ cấu quản lý TDTT và trực tiếp quản lý tổ chức thực hiện tất cả các hoạt động tác nghiệp TDTT từ việc xây dựng và thi hành chính sách, lập quy hoạch tổng thể về phát triển thể thao, xây dựng cơ sở thể thao, điều lệ thi đấu, bồi dưỡng nhân tài, tuyên truyền, tổ chức Đại hội TDTT cho đến việc lựa chọn HLV, VĐV, xét công nhận đẳng cấp VĐV và HLV...
Mô hình nhà nước trực tiếp tổ chức hoạt động tác nghiệp về TDTT có lợi cho việc tập trung nguồn vốn trong một thời gian nhất định để thực hiện mục tiêu mong muốn. Nhưng mô hình này có nhược điểm là không huy động được đầy đủ các nguồn lực xã hội cho hoạt động thể thao. Đặc biệt trong nền kinh tế thị trường hiện nay, thể thao đang chuyển sang thể thao chuyên nghiệp, thể thao nhà nghề nên mô hình này phần nào kìm hãm sự phát triển sự nghiệp thể thao.
Mô hình xã hội tổ chức các hoạt động tác nghiệp về TDTT
Ở mô hình này, Nhà nước không thiết lập cơ cấu quản lý TDTT, đồng thời Nhà nước ít can thiệp đến nội dung hoạt động tác nghiệp về TDTT. Nếu có can thiệp cũng thường áp dụng phương thức như tạo hành lang pháp lý hoặc trợ cấp kinh phí. Xu thế này thể hiện rõ nhất ở Mỹ và được thể hiện qua hoạt động của uỷ ban Olympic, hiệp hội thể thao từng môn, hiệp hội thể thao sinh viên.... những tổ chức có trách nhiệm phát triển phong trào TDTT quần chúng và thể thao thành tích cao. Mô hình này phù hợp với các nước có nền kinh tế phát triển mạnh và trình độ thể thao cao, coi hoạt động thể thao là hoạt động kinh doanh dịch vụ, giúp phát huy tính tích cực của xã hội, các tổ chức xã hội tiến hành tổ chức hoạt động tác nghiệp có hiệu quả, không bị ảnh hưởng do các nhân tố bên ngoài. Tuy nhiên, đôi khi còn thể hiện sự thiếu thống nhất và phối hợp toàn diện.
Mô hình kết hợp nhà nước và tổ chức xã hội cùng tham gia tổ chức các hoạt động tác nghiệp TDTT
Nhà nước thiết lập cơ quan quản lý thể thao để tiến hành quản lý vĩ mô đối với thể thao như định ra chính sách, chiến lược, phát huy chức năng phối hợp và giám sát. Tổ chức xã hội về thể thao chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động tác nghiệp về nghiệp vụ thể thao như xây dựng kế hoạch phát triển từng môn, điều lệ, tổ chức huấn luyện và thi đấu. Hầu hết các quốc gia trên thế giới áp dụng xu thế này trong đó có Việt Nam. Xu thế này bảo đảm vai trò chỉ đạo, quản lý của Nhà nước đồng thời phát huy được sự cổ vũ, ủng hộ và tham gia của xã hội vào lĩnh vực TDTT.
Tuy nhiên, tuỳ theo thể chế chính trị, sự phát triển về kinh tế - xã hội cũng như trình độ thể thao của từng nước khác nhau mà mức độ tham gia của nhà nước và tổ chức xã hội vào các hoạt động tác nghiệp về TDTT cũng khác nhau. Đối với mô hình này, sự phân chia quyền lực và trách nhiệm nhiều khi chưa rõ ràng gây ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nền TDTT.
Ở Việt Nam, từ sau khi hoà bình lập lại năm 1945 đến thời kỳ trước đổi mới, Nhà nước trực tiếp quản lý và tổ chức các hoạt động tác nghiệp TDTT. Từ sau năm 1986 đến nay, thực hiện chính sách đổi mới của Đảng, để phù hợp với xu thế chung của thế giới, nhà nước chủ trương khuyến khích xã hội hoá các hoạt động TDTT, Việt Nam đã chuyển từ mô hình nhà nước tổ chức các hoạt động tác nghiệp sang mô hình kết hợp nhà nước và xã hội tham gia tổ chức các hoạt động tác nghiệp TDTT. Tuy nhiên, chúng ta đang trong giai đoạn đầu thực hiện mô hình quản lý này, sự phân định trách nhiệm giữa cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội đang dần hoàn thiện, nhiệm vụ tổ chức các hoạt động tác nghiệp TDTT đang từng bước được chuyển giao cho các tổ chức xã hội thực hiện.
Quang Vinh