|
Ánh Viên - Viên ngọc quý của TTVN (Ảnh:Y Trang ) |
Đăng ký thi đấu ở 8 nội dung tại SEA Games 27, kình ngư số một Việt Nam Nguyễn Thị Ánh Viên đã có sự khởi đầu thuận lợi khi giành hai chiếc huy chương vàng ở nội dung 200m hỗn hợp và 200m ngửa. Trong đó, Ánh Viên đã xác lập nên kỷ lục mới ở cự ly 200m ngửa nữ, khi vượt qua kỷ lục SEA Games cũ 2'15''73 do kình ngư Indonesia Yessy Yosaputra tại SEA Games 26.
Thành tích này không chỉ đơn thuần góp phần vào thành công chung cho đoàn TTVN, mà hai tấm huy chương vàng đầu tiên của Ánh Viên mang nhiều ý nghĩa to lớn, đặc biệt khi tạo nên bước đột phá cho Bơi lội Việt Nam nói chung và cho làng Bơi lội nữ Việt Nam nói riêng ở đấu trường khu vực.
Có thể thấy, việc giành huy chương của Bơi lội Việt Nam trong rất nhiều năm qua luôn là một thách thức lớn, gặp nhiều trở ngại. Đối với Bơi lội nam, kể từ khi Việt Nam hội nhập trở lại với đấu trường khu vực năm 1989 chúng ta phải chờ mãi SEA Games 2001 mới giành tấm huy chương đầu tiên của cố VĐV Trần Xuân Hiền ở nội dung 100m bơi ếch với thành tích 1'04''94, giành HCB.
Còn để bước lên bục cao nhất, giành huy chương vàng thì cũng đã cách đây 43 năm. Hai chiếc HCV cuối cùng ngày đó thuộc về tay bơi Huỳnh Văn Hai (200m ếch) và Phạm Hữu Dõng (100m bướm) tại SEA Games lần 2 – 1961. Trải qua một quãng thời gian rất dài, phải đến kỳ SEA Games 23, kình ngư Nguyễn Hữu Việt mới đem vàng về cho TTVN ở nội dung 100m ếch với thành tích 1’03”80. Và chính anh cũng là người liên tiếp giành HC vàng cho bơi lội Việt Nam tại 2 kỳ SEA Games tiếp theo 24, 25 và cũng ở nội dung 100m bơi ếch...
Nam chờ đợi thì nữ càng mỏi mòn. Sau chiếc HC vàng 100 mét ếch của VĐV Vũ Thị Sen tại GANEFO 1960, thì dường như vinh quang luôn lảng tránh với Bơi lội nữ. Còn nếu chỉ tính trong phạm vi SEA Games thì phải mất 54 năm, Ánh Viên mới xuất hiện để giải hạn vàng cho bơi nữ Việt Nam.
Với hai chiếc HCV mà Ánh Viên mới giành được đã giải thích tại sao Bơi lội được xếp vào nhóm môn trọng điểm giành huy chương thứ hai bên cạnh Điền kinh tại kỳ SEA Games 27 và đó cũng như một lời khẳng định vị thế của Bơi lội Việt Nam đang ở một tầm cao mới.
Nói Bơi lội Việt Nam đang ở một tầm cao mới cũng không quá khi chúng ta được thấy sự không hài lòng từ người thầy của Ánh Viên sau 2 chiếc HCV. Thầy trách vì sao? cũng chỉ vì Ánh Viên đã làm chưa tốt, những thông số giúp cô đoạt HCV chưa đúng với đẳng cấp của Ánh Viên và chính cô cũng khẳng định rằng mình chưa thi đấu tốt, đúng với khả năng vốn có của mình.
Tạm quên đi những thông số hay thành tích để qua đó chúng ta nhìn nhận rằng Bơi lội Việt Nam đang sở hữu trong tay một viên ngọc quý tầm cỡ châu lục. Và đó chính là điều kiện cần và đủ để TTVN hội nhập vào thể thao thế giới.
Qua Ánh Viên, có thể thấy, ngành TDTT dám đặt nhiều kỳ vọng ở một môn thể thao hơn bởi nếu chú trọng đầu tư phát triển nhóm môn trọng điểm theo chuẩn bài bản quốc tế sẽ cho phép Việt Nam tự tin đặt mục tiêu xa hơn ở các sân chơi lớn như Asiad hay Olympic.
Ngành TDTT đã có chiến lược phát triển, đào tạo VĐV đỉnh cao, tạo ra những chế độ, chính sách đặc thù cho các VĐV trọng điểm với mục đích giành vàng tại các sân chơi Asiad, Olympic. Và sản phẩm đầu lòng mang tên Ánh Viên chính là bước đệm để mở ra con đường sáng cho ngành TDTT Việt Nam lựa chọn tiếp bước.
Ánh Viên cũng chỉ là một trong 52 VĐV trọng điểm được ngành TDTT chú trọng đầu tư phát triển. Các tài năng khác cũng đã và đang được ngành TDTT ươm mầm chờ ngày tỏa sáng. Tuy nhiên, từ trường hợp của Ánh Viên đã chỉ ra rằng TTVN hoàn toàn có thể thành công trong các mục tiêu vươn lên châu lục, thế giới nếu như chúng ta có quyết tâm cùng với cách nghĩ cách làm đúng. Và tin rằng, nếu đi đúng lộ trình thì thành quả cô đọng lại mà TTVN có được sẽ nhiều hơn một là cái tên Ánh Viên.
M.Đ