Vừa sáng tạo những thành tích kỷ lục cao - là sản phẩm của các VĐV, những tài năng đặc biệt - vừa tôn vinh những giá trị của con người, nâng cao vinh dự của một quốc gia, một dân tộc trên toàn cầu. Tại các cuộc trình diễn thể thao (Asiad, Olympic….), tài năng xuất sắc, kỹ thuật hoàn hảo, tài nghệ tuyệt vời của VĐV còn làm thỏa mãn nhu cầu thưởng thức và giá trị tinh thần của hàng tỷ người trên hành tinh.
Trong hơn 60 năm xây dựng đất nước, Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến sự nghiệp TDTT với 2 nhiệm vụ: phát triển phong trào quần chúng và nâng cao thành tích thể thao. 20 năm trở lại đây, nhu cầu phát triển thể thao ngày càng trở nên cấp thiết. Từ Đại hội lần thứ X, Đảng đã chỉ rõ phải đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển thể thao quần chúng và thành tích cao.
Điểm nổi bật của thể thao Việt Nam là sự phát triển mạnh và rộng rãi của thể thao quần chúng, nhất là từ năm 2000 khi ngành thể thao phát động phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Về thể thao thành tích cao, đã có những tiến bộ nhất định trên đấu trường SEA Games, châu lục và thế giới. Đã phát triển khoảng 30 môn thể thao đỉnh cao, có hàng trăm VĐV giành thành tích thế giới và châu lục. Tuy nhiên, quá trình phát triển còn bộc lộ nhiều khuyết điểm. Thành tích cao không ổn định, đầu tư dàn trải, không có trọng tâm, trọng điểm, thiếu chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển. Nhiều môn thể thao Olympic có tình trạng như vậy. Ngay cả bóng đá, môn được quần chúng đặc biệt yêu thích cũng thế. Vì vậy, thể thao chưa thực sự đáp ứng, chưa thỏa mãn được các yêu cầu của Đảng và nhu cầu giải trí thưởng thức của người dân.
Trong báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ XI, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã nêu rõ: “Phát triển mạnh phong trào TDTT đại chúng, tập trung hơn cho phát triển thể thao thành tích cao”. Có thể nói, đây là lần đầu tiên báo cáo chính trị của Đảng ta đề cập một cách hết sức cụ thể vai trò quan trọng của thể thao đỉnh cao trong thời kỳ hiện đại. Đây là sự chỉ rõ hướng phát triển của thể thao Việt Nam, cũng là yêu cầu mới của đất nước.
Văn kiện Đại hội XI đã chỉ rõ hướng phát triển của nền TDTT Việt Nam trong thời kỳ mới. TDTT phải là thước đo mức độ hạnh phúc của người dân qua việc tập luyện và giải trí nhưng đồng thời phải càng phải nâng cao vị thế của quốc gia, lòng tự hào dân tộc và những khát vọng phát triển mạnh mẽ của con người.
Thiết nghĩ, ngành thể thao cần phải đổi mới cách nghĩ, cách làm để nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ của Đảng giao cho và góp phần thỏa mãn nhu cầu của người hâm mộ thể thao.
NGUYỄN HỒNG MINH
Nguyên Trưởng đoàn thể thao Việt Nam