Cải cách hành chính là yêu cầu khách quan, là nội dung hết sức quan trọng trong sự nghiệp đổi mới toàn diện của nước ta. Cải cách hành chính yêu cầu phải được tiến hành trên cả 4 mặt: cải cách thể chế; tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và đẩy mạnh cải cách tài chính công. Thực hiện tốt cải cách hành chính sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước nhằm thực hiện tốt mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trong lĩnh vực TDTT, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về "đẩy mạnh các hoạt động TDTT về cả quy mô và chất lượng. Khuyến khích và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia hoạt động và phát triển sự nghiệp TDTT" thì việc nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước về TDTT nói chung, trong đó có nhiệm vụ thực hiện tốt công cuộc cải cách hành chính trong lĩnh vực TDTT nói riêng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và có tính quyết định đến sự phát triển của ngành.
Trong năm qua, thực hiện hướng dẫn của Bộ VH,TT&DL về cải cách hành chính, cơ quan Tổng cục TDTT đã triển khai có hiệu quả công tác này trên nhiều mặt. Ở đây chỉ đều cập đến công tác triển khai thực hiện Đề án đơn giản hoá các thủ tục hành chính trong lĩnh vực TDTT.
Ngay từ cuối năm 2008, thực hiện Đề án 30 về đơn giản hoá thủ tục hành chính của Chính phủ, Tổng cục TDTT đã chỉ đạo các Vụ, đơn vị tổ chức thống kê các thủ tục hành chính trong lĩnh vực TDTT và giao cho Văn phòng TDTT là đơn vị thường trực. Kết quả là đã thống kê và đề xuất đưa vào Bộ thủ tục hành chính của Bộ VH,TT&DL 16 thủ tục hành chính trong lĩnh vực TDTT. Hiện nay, Bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực VH,TT&DL đã được ban hành và công bố rộng rãi để đông đảo người dân nắm bắt và thực hiện.
Tháng 11/2009, Tổng cục TDTT đã thành lập Tổ rà soát thủ tục hành chính trong lĩnh vực TDTT để thực hiện nhiệm vụ thống kê, rà soát các thủ tục hành chính nêu trên. Căn cứ thực tiễn tình hình rà soát, Tổ rà soát đã tham mưu lãnh đạo Tổng cục TDTT kiến nghị Tổ đề án 30 của Bộ đơn giản hoá 100% thủ tục hành chính từ các yêu cầu, điều kiện của từng thủ tục đến quá trình thực hiện, số lượng bộ hồ sơ... bằng cách sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về TDTT, trong đó có Luật Thể dục, Thể thao với mục tiêu tạo sự rõ ràng, minh bạch và thuận tiện nhất cho các tổ chức, cá nhân khi thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực TDTT.
Trong thời gian tới, để việc đơn giản hoá thủ tục hành chính được thực hiện nghiêm túc, triệt để thì cần có kế hoạch cụ thể trong việc tham mưu sửa đổi, bổ sung các văn bản có liên quan. Đồng thời, tiến hành khảo sát, đánh giá thực tiễn việc thực hiện thủ tục hành chính ở địa phương, cơ sở để có định hướng, phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp nhất.
Liên quan đến vấn đề thủ tục hành chính, hiện nay theo quy định của Luật TDTT, các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia được quyền công nhận đẳng cấp cho HLV, VĐV, trọng tài thể thao, đồng thời được quyền phê duyệt Điều lệ giải giải thể thao vô địch quốc gia, giải trẻ quốc gia hàng năm. Tuy nhiên, thủ tục chưa được thực hiện mặc dù Luật TDTT đã có hiệu lực thi hành gần 3 năm nay. Nguyên nhân là do nhiều cơ quan, đơn vị khi giải quyết chế độ, chính sách cho VĐV chưa thừa nhận quyết định phong cấp của các Liên đoàn, Hiệp hội; đồng thời có nhiều môn thể thao hiện nay chưa có Liên đoàn quốc gia chính thức vì vậy Tổng cục TDTT hiện vẫn thực hiện công việc này. Trong năm 2010, để tuân thủ các quy định của Luật TDTT về các thủ tục hành chính, cần quán triệt chung về nguyên tắc những môn thể thao đã có Liên đoàn, Hiệp hội quốc gia, Tổng cục TDTT sẽ không làm thay mà tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Những cơ quan, đơn vị nào chưa thừa nhận quyết định của các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia thì Tổng cục TDTT sẽ tham mưu giúp lãnh đạo Bộ có văn bản đề nghị cụ thể.
Cải cách hành chính đi liền với việc tăng cường quản lý nhà nước trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có TDTT. Tuy nhiên, có thể thấy vai trò, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TDTT hiện nay chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác xây dựng các đề án, dự án, văn bản quy phạm pháp luật về TDTT để triển khai trong thực tiễn còn yếu, cán bộ công chức làm việc tại các Vụ chuyên môn còn chủ yếu làm công tác tổ chức giải; việc kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực TDTT (một trong những nhiệm vụ của Tổng cục TDTT theo Quyết định 66/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) chưa được thực hiện đầy đủ do thiếu cơ chế, thiếu bộ máy; nhiều tình huống thực tế, tiêu cực trong hoạt động thể thao, đặc biệt là thể thao chuyên nghiệp xảy ra đòi hỏi sự nhạy bén trong quản lý nhà nước chưa được giải quyết kịp thời... Tình hình này đặt ra nhiệm vụ quan trọng trong công tác của Tổng cục TDTT năm 2010 và các năm tiếp theo là phải triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước về TDTT.
Có thể nêu ra một số giải pháp chủ yếu. Thứ nhất, cần có sự tách bạch rõ giữa chức năng quản lý nhà nước và việc tổ chức các hoạt động sự nghiệp về TDTT, đặc biệt là trong tổ chức quản lý đào tạo nguồn nhân lực và tổ chức thi đấu thể thao tránh tình trạng các đơn vị thực hiện quản lý nhà nước lại đi triển khai quá nhiều các hoạt động sự nghiệp như hiện nay. Trên cơ sở đó, tham mưu phân định chức năng, nhiệm vụ của các Vụ đơn vị trực thuộc Tổng cục, gắn trách nhiệm của từng cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị. Hiện nay, Tổng cục TDTT đang xây dựng Đề án về chuyên giao hoạt động tác nghiệp cho các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao, công việc này cấn xúc tiến để tổ chức triển khai. Song đồng thời cũng phải có phương án bố trí bộ máy, nhân lực trong cơ quan Tổng cục TDTT bảo đảm thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia hoạt động.
Thứ hai, cần tăng cường công tác xây dựng và triển khai có hiệu quả trong thực tiễn các đề án, dự án, chiến lược, các văn bản quy phạm pháp luật về TDTT. Trong năm 2010, cần hoàn hành và triển khai trong thực tiễn Quy hoạch phát triển ngành TDTT đến năm 2020, Đề án về phát triển khoa học - công nghệ của ngành, xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về TDTT. Về xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về TDTT, cần phối hợp trình Thủ tướng ban hành quyết định về chế độ đãi ngộ đối với VĐV, HLV đạt thành tích xuất sắc; tham mưu ban hành các Thông tư về quản lý hoạt động của các cơ sở dịch vụ từng môn thể thao...
Thứ ba, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, tiêu cực trong lĩnh vực TDTT, công cụ quan trọng của quản lý nhà nước. Để làm tốt công tác này phải có tổ chức và cơ chế cụ thể. Theo đó, nên chăng tham mưu thành lập bộ phận thanh tra thực thuộc Tổng cục TDTT theo đúng hướng dẫn của Chính phủ về cơ cấu tổ chức của một Tổng cục nói chung với sự phân cấp cụ thể rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ từ phía Thanh tra Bộ. Đồng thời, sửa đổi bổ sung Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TDTT cho phù hợp với tình hình thực tiễn tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động tranh tra và xử lý vi phạm.
Văn phòng Tổng cục TDTT