Kết quả trận bán kết lượt đi đã ngã ngũ. Nhưng việc Việt Nam hay Thái Lan vào chung kết vẫn còn phải chờ lượt về phán xử. Tuy nhiên, câu chuyện của 180 phút chính thức, có thể kéo đến hiệp phụ hay đá luân lưu không thể tượng trưng cho chiến thắng hay thất bại của một nền bóng đá với kình địch của mình. Nhìn cách bóng đá Thái Lan tận dụng hiền tài, bóng đá Việt Nam sẽ còn phải học nhiều hơn nữa.
Kiatisak Senamuang, gạch nối của bóng đá Việt Nam với bóng đá Thái Lan từ quá khứ cho đến hiện tại từng có một phát ngôn gây sốc trên Four Four Two vào tháng 4/2018. Khi đó, ông nói rằng phải 10 năm nữa, Việt Nam mới thắng được Thái Lan. Sau hai năm rưỡi kể từ câu nói gây tranh cãi ấy, Kiatisak - nay là HLV trưởng HAGL phải phân bua để không muốn chịu “gạch, đá” từ người hâm mộ bóng đá đất nước hình chữ S.
Quả thực, 1 năm sau câu nói gây sốc ấy của Kiatisak, Việt Nam đã thắng được Thái Lan ở cấp độ ĐTQG. Chiến thắng 1-0 tại Kings Cup là khởi đầu cho mạch 3 trận liên tiếp bất bại mà Việt Nam dưới thời ông Park Hang Seo có được trước “Bầy voi chiến”. Tuy nhiên suy cho cùng, đó chỉ là những chiến thắng ở một phương diện hẹp. 90 phút chính thức của một trận đấu không thể là thước đo cho cả một quá trình phát triển của hai nền bóng đá. Đồng ý, kết quả ấy ghi nhận sự tiến bộ của bóng đá Việt Nam, đặc biệt trong cuộc cách mạng bóng đá trẻ nghiêm túc và quyết liệt suốt 7-8 năm trời của LĐBĐ Việt Nam, các CLB và Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ. Nhưng nhìn một cách tổng thể, nền bóng đá Việt Nam vẫn còn đi sau Thái Lan nhiều năm về lộ trình phát triền chuyên nghiệp.
Lấy giải VĐQG – bản lề cho ĐTQG là một ví dụ. Năm 2007, Thái Lan đã quyết định mua bản quyền khuôn mẫu tổ chức tại giải Ngoại hạng Anh để áp dụng vào mô hình các giải chuyên nghiệp của Thai League. Từ đó, ngoài giải VĐQG và cúp Quốc gia truyền thống, người Thái có thêm giải liên đoàn để tăng cường số trận đấu cho các CLB. Thêm vào đó, hệ thống kim tự tháp phát triển bóng đá của Thái Lan cũng được xây dựng một cách bài bản. Trong đó, đỉnh của kim tự tháp là Thai League 1 với 16 CLB tham gia. Thấp hơn ở Thai League 2, 18 CLB góp mặt. Xếp phía dưới là giải bán chuyên Thai League 3 tập hợp tới 72 CLB được chia làm 6 vùng miền gồm phía Bắc (11 đội), Đông Bắc (11 đội), phía Đông (12 đội), phía Tây (12 đội), nội đô Bangkok (14 đội) và phía Nam (12 đội).
Không dừng lại ở đó, giải bóng đá chuyên nghiệp của Thái Lan còn có một hạng thấp nhất là giải nghiệp dư với không giới hạn các CLB được chia làm 12 vùng miền khác nhau. Với một hệ thống giải đấu đồ sộ được vận hành theo mô hình kim tự tháp ngược cực kỳ chuyên nghiệp, Thái Lan có thể xem là hình mẫu mà Việt Nam phải thèm khát.
Khi mà Thái Lan có thể tổ chức một hệ thống giải quy củ như vậy thì cho đến nay, việc vận hành 3 giải đấu của Việt Nam với hạng Nhì (tương đương Thai League 3), hạng Nhất (tương đương Thai League 2) và V.League (tương đương Thai League 1) của VFF và VPF gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh hưởng của dịch COVID-19 đẩy các CLB chuyên nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn về tài chính. Đó cũng là lý do mà V.League 2021 không thể tiếp tục sau 12 vòng. Đấy là chưa kể Than Quảng Ninh, một trong những CLB từng thuộc diện mạnh vì gạo, bạo vì tiền phải dừng hoạt động.
Trong bối cảnh Thai League vốn dĩ đã sớm nhận những hợp đồng bản quyền truyền hình kếch sù và gần đây đẩy con số phi mã lên đến gần 8.000 tỷ đồng cho 8 năm từ mùa 2021 thì cho đến hiện tại, VPF và các CLB V.League mới bắt đầu đau đáu lợi nhuận thực tế, thay vì một hình thức quảng cáo tượng trưng đến từ bản quyền truyền hình. Nói như thế cũng đủ để thấy rằng, sự phát triển của V.League đã chậm hơn Thai League bao nhiêu năm.
Câu chuyện về phát triển bóng đá Thái Lan và Việt Nam không chỉ dừng lại ở hệ thống giải nghiệp dư và chuyên nghiệp. Đó còn là cách Thái Lan chiêu mộ và tổ chức ươm mầm hiền tài cho tương lai. Ngoài hệ thống lò đào tạo trẻ lên đến gần 100 ở trong nước, Thái Lan cũng thường xuyên “gửi gắm” các tài năng nhí của mình tại một số CLB nước ngoài. Nổi bật trong đó là Leicester City. Trong đội hình của Thái Lan hiện tại, Thanawat và Worrachit là những gương mặt đã và đang được đào tạo và thi đấu tại cựu vô địch Ngoại hạng Anh. Đấy là điều mà bóng đá Việt Nam chưa thể làm được trước rào cản về tư duy làm bóng đá cũng như eo hẹp về tài chính so với Thái Lan.
Một yếu tố khác cũng liên quan đến xuất ngoại. Teerasil Dangda, Theerathon Bunmathan và đặc biệt là Chanathip Songkrasin đã tung hoành ở Nhật Bản nhiều năm. Nhưng bên phía Việt Nam, Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng đều thất bại và vỡ mộng trước tham vọng ra nước ngoài chơi bóng. Vết sẹo ấy khiến cho chính những tài năng như Hoàng Đức, Quang Hải ngần ngại rời khỏi “cái ao làng” V.League hiện nay.
An Khánh