Những năm gần đây, nhiều giải vật lớn cấp quốc gia được Sở phối hợp với địa phương tổ chức như: Giải vô địch vật tự do, vật dân tộc truyền thống Hà Nội, Giải Vật dân tộc toàn quốc tranh Cúp Phùng Hưng… thu hút đông đảo các vận động viên chuyên nghiệp và không chuyên về thi đấu biểu diễn phục vụ người xem. Đây sẽ là nơi để các nhà chuyên môn phát hiện thêm những tài năng, tăng nguồn tuyển chọn cho Đội tuyển vật Hà Nội cũng như quốc gia.
Tổng Thư ký Liên đoàn Vật Việt Nam Tạ Tùng Đức cho rằng: "Để môn vật Việt Nam phát triển bền vững, có được những đô vật đủ sức cạnh tranh trên đấu trường quốc tế, phải chú trọng đầu tư căn cơ, bài bản từ khâu phát hiện, tuyển chọn, đào tạo vận động viên ở các tỉnh, thành phố, ngành. Bên cạnh đó, phía Liên đoàn Vật Việt Nam sẽ chú trọng chung tay với các địa phương để thúc đẩy phong trào tập luyện môn vật thông qua việc hỗ trợ tổ chức, tuyên truyền các giải vật truyền thống, các hội vật làng trên mạng xã hội... Cũng từ đây, phong trào vật ở địa phương được gìn giữ, phát triển và thu hút đông đảo người tham gia tập luyện, đặc biệt là trẻ em. Đó cũng là cách để gìn giữ, nhân lên giá trị của các sới vật hội làng, vốn không thể thiếu trong đời sống của nhân dân ta mỗi dịp xuân về",
Khởi nguồn từ lịch sử dựng nước và giữ nước, môn thể thao vật dân tộc có sức sống mạnh mẽ, gắn bó với lối sống sinh hoạt, lao động của người dân Việt Nam. Ngày nay, môn vật dân tộc đã trở thành nét văn hóa đặc trưng, không thể thiếu trong các lễ hội đầu xuân tại các làng quê, đặc biệt tại các tỉnh vùng đồng bằng Bắc bộ.
Để bảo tồn, phát triển môn thể thao quần chúng vật dân tộc hiện nay, những người làm công tác quản lý, đào tạo và các vận động viên chuyên nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Mức thu nhập thấp, áp lực cuộc sống mưu sinh cũng khiến các VĐV có ý định bỏ nghề, bỏ anh em trong đội để ra ngoài tìm việc làm khác.
VĐV vật dân tộc Nghiêm Đình Cảnh (Nghệ An) cho biết, thu nhập của anh đạt khoảng 60 triệu đồng/năm nhưng so với các vận động viên mới vào nghề hoặc đạt ít huy chương, mức thu nhập của anh được coi là khá cao trong nghề. “Các giải thưởng vật dân tộc khá thấp, điển hình như HCV giải Vật dân tộc anh tài toàn quốc cũng chỉ ở mức 5 triệu đồng. Tiền thưởng của đội được thêm một vài triệu đồng, chủ yếu nhằm động viên, khích lệ tinh thần anh em”, anh Cảnh giải thích.
Bên cạnh vấn đề thu nhập của các VĐV, nguồn tài chính đầu tư và duy trì các hoạt động luyện tập, còn eo hẹp. Theo ông Đặng Xuân Nghĩa, HLV Đội vật dân tộc (Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện Thể thục thể thao tỉnh Nghệ An), tỉnh chỉ hỗ trợ đội tham gia thi đấu giải vô địch vật dân tộc toàn quốc, các giải khác, đội phải tự bỏ tiền cá nhân để tham gia. “Hiện nay, hầu hết các đội vật đều trong tình trạng chồng chất những khó khăn. Việc giữ chân vận động viên không dễ bởi theo nghề thu nhập thấp, tiền đầu tư hạn chế, không có chế độ và quyền lợi đặc thù, các em rất dễ bỏ nghề”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Cũng như ông Nghĩa, ông Nguyễn Văn Hiền (Huấn luyện viên Hiệp hội Vật dân tộc Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh) cho biết, hầu hết các đô vật hiện nay đang có xu hướng “già hóa”, không có thế hệ trẻ kế cận. Mỗi năm, Hiệp hội thường tổ chức các giải đấu vòng loại để tìm kiếm các em có năng khiếu, yêu thích môn vật dân tộc và tổ chức đào tạo từ nhỏ. Ông Hiền cùng các huấn luyện viên khác thường đến vận động từng nhà cho con theo học, mời bố mẹ lên thăm quan chỗ ăn nghỉ và tập luyện để họ yên tâm.
Theo thống kê của Vụ Thể dục Thể thao quần chúng, Tổng cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hiện trên cả nước có 15 đội vật dân tộc thuộc các tỉnh thành, ngành khác nhau với khoảng 300 vận động viên chuyên nghiệp được hưởng chế độ và hàng nghìn vận động viên không chuyên. Trong đó, các địa phương mạnh về môn thể thao vật dân tộc gồm có các tỉnh như Bắc Ninh, Phú Thọ, Hà Nội, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Nghệ An... Những năm gần đây, môn vật dân tộc không có tên trong các môn thi đấu tại Đại hội Thể thao toàn quốc và Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc. Đây là một trong những hạn chế khiến môn thể thao này không được các tỉnh, ngành chú trọng đầu tư và phát triển.
Ông Nguyễn Tất Chiến, Vụ Thể dục Thể thao quần chúng cho biết: “Phong trào vật dân tộc vẫn đang phát triển trên khắp cả nước, đặc biệt tại các tỉnh, thành lớn, nơi có nhiều lễ hội đầu năm. Tuy nhiên, nếu có trong danh sách thi đấu tại hai đại hội thể thao lớn nhất cả nước, môn vật dân tộc sẽ được đầu tư chuyên môn, bài bản với nguồn kinh phí ổn định, thu hút nhiều vận động viên chuyên nghiệp”.
Quỳnh Mai