Sau World Cup 2018, EURO 2020 là giải đấu lớn thứ hai sẽ sử dụng Công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR). Mục đích đương nhiên là “hạn chế tối đa các sai sót”, thế nhưng với những gì đã được chứng kiến trong vài năm gần đây, rất nhiều người vẫn tỏ ra hoài nghi.
Trong nhiều trận đấu ở cấp câu lạc bộ mùa giải 2020-21, các tình huống bóng chạm tay và việt vị được quan tâm nhiều nhất vì gây tranh cãi liên tục. Luật đã có nhưng câu chuyện nhận định, vô tình hay cố ý đã không được trọng tài chính trên sân quyết định theo khía cạnh tình huống, do vậy tranh cãi là không tránh khỏi.
Cập nhật luật bóng chạm tay
Tháng 3, Liên đoàn bóng đá quốc tế (IFAB) đã có cập nhật mới về luật bóng chạm tay và sẽ có hiệu lực từ tháng 7 tới. Tuy nhiên, họ cũng đồng ý rằng, Ban tổ chức các giải đấu được toàn quyền đưa ra những thay đổi sớm hơn nếu muốn. Do vậy, ông Roberto Roétti - Chủ tịch Ủy ban trọng tài của UEFA, cho biết, các trọng tài đã được yêu cầu vận dụng luật mới khi EURO 2020 khởi tranh vào thứ Sáu tới.
"Luật đã được viết lại theo tinh thần bóng đá hơn và cho phép các cầu thủ tự do chơi bóng", cựu trọng tài người Ý cho biết.
Ở Premier League mùa giải vừa qua, các tình huống dẫn đến bàn thắng nhưng bóng vô tình chạm tay đồng đội đều không được tính. Một sự cố như vậy xảy ra ở trận đấu giữa Fulham và Tottenham, vào đêm trước khi IFAB ban hành luật cập nhật.
IFAB đã có những giải thích rõ ràng hơn về luật bóng chạm tay. Ảnh: UEFA
IFAB đã có những giải thích rõ ràng hơn về luật bóng chạm tay. Ảnh: UEFA
Theo bản cập nhật, bóng chạm tay chỉ bị thổi phạt khi: Cố tình chạm vào bóng bằng bàn tay/cánh tay, ví dụ di chuyển bàn tay/cánh tay về phía bóng; Chạm vào bóng bằng bàn tay/cánh tay khi nó khiến cơ thể to ra một cách bất thường.
Ở đây, luật cập nhật cung cấp chi tiết về những gì cấu thành tình huống bóng chạm tay, đặc biệt là “vị trí làm cho cơ thể của họ to hơn một cách bất thường”. Bất thường nghĩa là vị trí của bàn tay/cánh tay không phải là hệ quả của chuyển động cơ thể trong tình huống cụ thể.
Phải có bằng chứng rõ ràng trong luật việt vị
Nếu như các tình huống bóng chạm tay còn có thể đánh giá được dựa trên chuyển động cơ thể của cầu thủ thì ngược lại, những pha từ chối bàn thắng vì việt vị sau sự can thiệp của VAR thực sự khiến các cầu thủ và người hâm mộ phải bối rối.
Về chủ đề này, ông Rosetti cho biết, phải có "bằng chứng rõ ràng" trước khi VAR từ chối bàn thắng rồi trọng tài trên sân quyết định. "Vài tháng trước, Pep Guardiola đã nói 'Tôi có thể chấp nhận sai lầm của trọng tài trên sân thi đấu, tôi không thể chấp nhận một sai lầm do VAR thực hiện trước video”. Đây là sự thật. Ông ấy nói đúng", Rosetti nói. Chúng tôi không thể từ chối bàn thắng nếu chúng tôi không có bằng chứng rằng đó là việt vị”.
Nhưng “rõ ràng” là thế nào? Giả sử như ở tình huống trong ảnh dưới đây có phải là rõ ràng?
Ảnh: Premier League
Ảnh: Premier League
Rosetti cũng nói rằng, khán giả truyền hình sẽ được xem các đường kẻ vẽ mà trọng tài VAR thực hiện nhưng chỉ là “kết quả cuối cùng” chứ không phải “công đoạn thực hiện”. Vậy có rõ ràng?
Thừa nhận “sẽ nguy hiểm” nếu để VAR lấn át trọng tài và nhấn mạnh rằng, VAR sẽ chỉ can thiệp vào những quyết định liên quan đến thổi phạt 11m và lỗi rõ ràng đã được thực hiện. "Bóng đá là những khoảnh khắc gây tranh cãi và không phải lúc nào cũng dễ dàng xác định ranh giới can thiệp cho VAR của chúng tôi. Chúng tôi nhất quán trong việc áp dụng sự can thiệp của VAR. Chúng tôi muốn can thiệp khi có điều gì đó rất rõ ràng", ông Rosetti nói.
Nghĩa là VAR chỉ dùng để “làm rõ hơn những lỗi đã rõ ràng”? Những tình huống không rõ ràng thì để… tranh cãi?
Vẫn biết rằng, công tác trọng tài không bao giờ là rõ ràng trong cuộc chơi của cảm xúc, của những va chạm khó tránh khỏi, nhưng ngoài việc dựa trên luật, dù có làm sáng tỏ đến thế nào thì cũng vẫn đầy tranh cãi, UEFA cũng nên hướng về… ngày xưa, thời điểm các trọng tài còn biết đưa ra quyết định dựa trên tình thế, diễn biến trận đấu, trong từng tình huống cụ thể.
EURO 2020 không thể để những tranh cãi "nực cười" liên quan đến VAR như vậy.
TAM NGUYÊN