Sau 3 trận đầu tiên, Campuchia ghi đến 6 bàn thắng. Con số này giúp họ vượt qua thành tích tốt nhất trước đó của chính mình ở các năm 2000 và 2002. Khi đó, đội bóng này chỉ ghi tối đa 5 bàn thắng. Sự hiệu quả trên con số bàn thắng và cầm bóng đủ để thấy Campuchia thành công với cách đá kiểm soát thế trận, sẵn sàng chơi đôi công với các đội tuyển mạnh mà cặp bài trùng Nhật Bản - Honda và Hirose đã và đang hướng tới.
6 bàn thắng mà Campuchia ghi được chia làm hai kịch bản. Trong 2 trận đầu tiên trước Indonesia và Malaysia, Campuchia ghi 3 bàn từ các tình huống cố định (penalty, phạt góc và đá phạt trực tiếp). Ba bàn thắng trước Lào thể hiện rõ tâm thế “cửa trên” hơn của Campuchia. Họ tổ chức triển khai bóng từ dưới lên một cách mạch lạc, tận dụng phá bẫy việt vị của đối phương trước khi thực hiện các pha chọc khe cho Chan Vathanaka và Sieng Changthea thoát xuống và ghi bàn.
Với cột mốc mới tạo ra, Campuchia có quyền tin tưởng vào một lối đá tấn công trước Việt Nam. Trước đó, HLV Ryu Hirose của Campuchia từng tuyên bố: “Chúng tôi muốn áp đặt thế trận lên bất cứ đối thủ nào, dù có là Brazil đi chăng nữa. Campuchia sẽ kiểm soát bóng, đoạt lại bóng tầm cao. Tôi rất vui khi làm việc cùng Honda. Chúng tôi đang tiếp tục chiến lược phát triển bóng đá Campuchia”.
Và quả thực, họ đã làm được điều đó. Theo thống kê, Campuchia kiểm soát bóng 64,7% trước Lào. Khi đấu với Indonesia, đội bóng này kiểm soát bóng tới 54,8%. Trong trận thua trước Malaysia ở lượt đầu tiên, Campuchia cũng kiểm soát bóng tới 56,9%.
Nguồn BONGDAPLUS