Thói quen khen nhau đã trở thành một “căn bệnh” của bóng đá Việt Nam. Hôm nay, đội tuyển Việt Nam đã chơi tốt, nhưng nhìn toàn cục, nền bóng đá Việt Nam đã tốt chưa? Đó mới là câu hỏi cần trả lời.
Đúng như lời huấn luyện viên Park Hang-seo đã hứa, đội tuyển Việt Nam đã chơi một trận đấu “không phải hối hận”. Tất cả những gì các cầu thủ thể hiện trên sân, dù là những người đá chính hay vào sân từ băng ghế dự bị - kể cả nhân tố dự bị vào sân chỉ chưa đầy 15 phút, họ đã không làm người hâm mộ Việt Nam phải xấu hổ.
Thế nhưng, phía sau 90 phút “không xấu hổ” ấy là gì? Đặt ra câu hỏi không phải để xỉa xói, chỉ trích lẫn nhau. Đặt ra câu hỏi để tìm ra đường hướng cho sự phát triển của nền bóng đá Việt Nam. Xin nhắc lại, là “nền bóng đá Việt Nam”, không phải chỉ là đội tuyển Việt Nam.
Lướt qua các trang mạng xã hội sau trận đấu tuyển Việt Nam hòa tuyển Thái Lan 0-0, câu chuyện là gì? Tất cả đều chỉ là sự an ủi, rằng “chúng ta đã có một trận đấu tốt”, rằng “trận lượt đi chỉ là tai nạn”, rằng “ngã ở đâu đứng lên ở đó”… Sự an ủi còn kéo dài đến bao giờ?
Khi không thể nhìn thẳng vào sự thật, rằng, huấn luyện viên Park Hang-seo và ban huấn luyện cần thay đổi, rằng chính các chuyên gia, chính những người hâm mộ - mà cho là mình yêu bóng đá, cần phải thay đổi, thì đội tuyển Việt Nam vẫn sẽ chỉ ở lưng chừng của sự phát triển. Châu Á thì không với tới, Đông Nam Á cũng chẳng thể bứt hẳn lên…
Thói quen sống bằng vinh quang quá khứ, thói quen nhớ về những kỷ niệm đẹp, hay thói quen thích nghe những lời khen sẽ không thể nào là tác động tích cực cho sự phát triển. Người xưa nói “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, đó chính là giá trị tạo nên con người, tạo nên một tập thể, tạo nên một cộng đồng, tạo nên một xã hội. Và nếu nói riêng khía cạnh bóng đá, nó tạo nên sự văn minh, tính chuyên nghiệp.
Tất nhiên, trừ khi người ta không muốn như thế…
Có người nói rằng, đội tuyển Việt Nam chỉ là công cụ phục vụ cho sở thích của cá nhân. Nhưng khi số lượng cá nhân đó quá đông đảo, tạo thành một cộng đồng và trở thành thứ quyền lực tối thượng, đội tuyển quốc gia bỗng nhiên trở thành cỗ máy vận hành cho cái gọi là “yêu bóng đá chiến thắng” một cách cực đoan.
Nhưng nếu đổ hết mọi tội lỗi cho người hâm mộ thì cũng không hoàn toàn đúng. Nó phải là câu hỏi dành cho chính huấn luyện viên Park Hang-seo và những người có trách nhiệm với bóng đá Việt Nam.
Với ông thầy người Hàn Quốc, khi cỗ máy thành công đã trở nên cũ kỹ, sự thay đổi, sự đổi mới ở đâu? Chưa ai thấy. Với nền bóng đá Việt Nam, nếu coi huấn luyện viên Park Hang-seo là người mang đến nguồn cảm hứng và thành công cho bóng đá Việt Nam trên đấu trường quốc tế, tại sao cách thức vận hành của hệ thống đào tạo trẻ không đi theo con đường như vậy? Thầy Park đã từng "kêu trời" vì đội U23 - lớp kế cận gần nhất cho đội tuyển, không đáp ứng được đòi hỏi cần thiết… Nhưng kêu là kêu vậy, biết bao giờ thay đổi!?
Trở lại trận đấu bán kết lượt về AFF Cup 2020, đúng là chúng ta tự an ủi nhau rằng đội đã chơi tốt, các cầu thủ đều nỗ lực hết sức, nhưng hãy nhìn sang đối thủ mà xem, tất cả những sức ép đó có làm họ run sợ và rơi vào trạng thái vỡ vụn? Cái nền tạo ra những cầu thủ bản lĩnh như vậy.
Bóng đá Việt Nam năm 2021 tự hào vì được đá vòng loại thứ ba World Cup, nhưng chỉ cần 2 trận đấu với Thái Lan, có lẽ, chúng ta nên suy ngẫm nhiều hơn, về cách sống, cách ứng xử với bóng đá, cách đón nhận thất bại, cách nhìn nhận lại chính mình…
… Vì chúng ta chưa phải là nhất!
TAM NGUYÊN