Hai ngày trước khi trận chung kết diễn ra, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) A.Ceferin (Xê-phê-rin) tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không bao giờ tổ chức một giải đấu tương tự EURO lần này nữa. Nó quá thiếu khoa học, và quá bất công đối với các đội tuyển tham dự”.
Đội trưởng đội tuyển Italia G.Chiellini giơ cao Cúp vô địch EURO 2020.
11 thành phố của 11 quốc gia cùng đăng cai tổ chức. Đó đã từng là “giấc mơ lãng mạn” mà người tiền nhiệm M.Platini (Pla-ti-ni) của ông Ceferin ấp ủ, nhằm kỷ niệm 60 năm EURO ra đời bằng cách đưa giải đấu đến mọi khu vực của châu lục. Tuy đã thật sự tạo ra những ngày hội bóng đá sôi động ở các thành phố diễn ra trận đấu, song về khâu tổ chức, thực tế lại không phải là bức tranh nhiều mầu hồng như thế. 11 quốc gia đăng cai, nghĩa là có thêm từng ấy hệ thống khớp nối, từng ấy ban tổ chức, và các vấn đề có thể phát sinh cũng nhân lên gấp khoảng 11 lần.
Trong số đó, không thể không nhắc đến khoảng cách về quãng đường di chuyển của các đội tuyển - điều ảnh hưởng trực tiếp đến nền tảng thể lực vốn đã bị bào mòn sau mùa giải thường niên của các cầu thủ. Trong khi đội tuyển Ba Lan phải bay đi bay về khoảng 11.000 km, đội tuyển Thụy Sĩ khoảng 10.000 km và bị loại sớm, thì đội tuyển Anh vào chung kết và lấy Huy chương bạc khi được chơi bảy trong tám trận trên sân nhà. Nếu Anh là nước chủ nhà duy nhất, như năm 1996, thì hẳn sẽ không có lời ra tiếng vào.
Đây cũng là EURO thứ hai, số đội tham dự vòng chung kết được nâng từ 16 lên 24. Số đội tăng, hiển nhiên tỷ lệ thuận với nỗi lo về việc chất lượng trận đấu. Không chỉ vậy, việc có tới bốn trong sáu đội đứng thứ ba có thành tích tốt nhất ở các bảng có suất đi tiếp vào giai đoạn đấu loại trực tiếp cũng làm mọi thứ trở nên phức tạp.
Và đây cũng là lần đầu công nghệ VAR được áp dụng trong các trận đấu EURO, dưới những cặp mắt soi xét đầy nghi ngại của giới chuyên môn cũng như người hâm mộ. Đã có quá nhiều tranh cãi liên quan đến hệ thống “trọng tài số” này từ World Cup 2018 và chúng vẫn được tiếp nối với quả phạt đền không rõ ràng dành cho đội tuyển Anh, trong trận bán kết thắng Đan Mạch.
EURO 2020 cũng chứng kiến nhiều thay đổi về luật. Để bảo vệ sức khỏe cho các cầu thủ, mỗi đội được đăng ký danh sách thi đấu từ 23 lên 26 người. Mỗi trận, được thay nhiều nhất tới năm cầu thủ thay vì chỉ ba như trước kia, nếu trận đấu đi đến hiệp phụ. Những quãng nghỉ ngắn cũng được áp dụng. Bên cạnh đó, không ít sân vận động bắt buộc phải hạn chế số lượng khán giả, để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Tuy nhiên, khi gạt bỏ những yếu tố bên lề đó để chỉ tập trung vào diễn biến của các trận đấu, EURO 2020 thật sự là một giải đấu đầy hứng khởi, giàu kịch tính, vô cùng sôi động, với những dấu ấn đậm nét về chuyên môn. Đó mới là “sức sống vĩnh cửu” lôi cuốn của bóng đá.
Từ tiếng còi khai cuộc trận khai mạc cho đến khi thủ quân G.Chiellini (Chi-en-li-ni) của đội tuyển Italia giơ cao chiếc Cúp vô địch sau trận chung kết, liên tiếp có những bất ngờ xuất hiện. Lần lượt đương kim vô địch thế giới và ứng cử viên vô địch giải- đội tuyển Pháp và những “đại gia” khác nữa của bóng đá châu lục sớm “rơi rụng” như đội bóng đương kim vô địch châu Âu Bồ Đào Nha và đội tuyển Hà Lan, song có lẽ họ đều không để lại quá nhiều sự trống vắng. Những kẻ thách thức từ phía sau đã tiến lên theo cách quá xứng đáng, bằng cả lòng can trường lẫn tính cống hiến, và chính họ như các đội tuyển Thụy Sĩ, Czech hay Đan Mạch mới để lại nhiều tiếc nuối.
Đan Mạch có lẽ là đội tuyển để lại nhiều cung bậc cảm xúc nhất cho giải đấu lần này. Những hình ảnh mà họ thể hiện khi tiền vệ C.Eriksen (Ê-rích-xen) gục xuống vì cơn đau tim bất chợt đã gắn kết toàn bộ các cổ động viên trên thế giới, trong cả nỗi lo lắng lẫn lòng trân trọng. Rồi sau đó, từng bước một, “Những chú lính chì” tiếp tục chinh phục giới mộ điệu bằng sức bùng nổ và sự phấn khích đến từ những cái tên còn khá lạ lẫm như Dollsberg (Đôn-xbớc) hay Damsgaard (Đam-ga-ác).
Trong khi đó, việc danh hiệu Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất giải được trao cho tiền vệ 18 tuổi Pedri (Pê-đri) của đội tuyển Tây Ban Nha cũng là một tín hiệu đáng chú ý. Đó là sự kết tinh của một giải đấu mà sức trẻ cũng như sự sung mãn của tuổi trẻ chiếm ưu thế, đồng thời tạo nên những dấu ấn sâu đậm. Khía cạnh này được thể hiện rất rõ trong hành trình đến với trận chung kết của hai đội tuyển Italia và Anh.
Để đi đến điểm cuối cuộc hành trình, các cầu thủ cả hai đội tuyển hầu như không bao giờ tự đánh mất chính mình bởi những sự xao nhãng, hay bởi nỗi mệt mỏi, nhụt chí hay tâm lý coi thường đối thủ. Nhưng vào những thời khắc quyết định thì bản lĩnh cũng như độ già dặn lại đóng vai trò then chốt. Liên tiếp những gương mặt trẻ măng bên phía đội tuyển Anh sút hỏng tại loạt luân lưu 11 m. Tuy vậy, dù thế nào, đây cũng vẫn là trận chung kết một giải đấu lớn mà bóng đá Anh chạm tới, suốt 55 năm đằng đẵng.
“Đội bóng Thiên Thanh” trở thành nhà vô địch xứng đáng. Bị dẫn trước bởi bàn thắng nhanh nhất lịch sử các trận chung kết EURO, trong những âm thanh trên khán đài có thể nhấn chìm mọi dũng khí và trước một địch thủ vượt trội hẳn về nền tảng thể lực, Italia vẫn không bỏ cuộc. Họ đã làm tất cả những gì có thể để san bằng cách biệt, để bảo vệ tỷ số, đưa cuộc chơi vào đến tận loạt sút luân lưu 11 m. Và ở đó, họ phạm sai lầm ít hơn, đủ để ghi tên mình vào lịch sử./.
Theo Báo Nhân Dân