Tính tới thời điểm hiện nay, Thể thao Việt Nam có 25 liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia được thành lập (Ủy ban Olympic Việt Nam và 24 liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia). Trong đó có 17 liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia thuộc lĩnh vực thể thao thành tích cao (chiếm tỷ lệ 70,9%) và có 07 liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia thuộc lĩnh vực thể thao cho mọi người (chiếm tỷ lệ 29,1%).
Thể dục thể thao được coi là một trong những lĩnh vực sớm nhất, thực hiện chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước. Trong 54 năm, tính từ thời điểm liên đoàn đầu tiên được thành lập (Liên đoàn bóng bàn Việt Nam thành lập ngày 23/5/1959) đến liên đoàn thể thao quốc gia được thành lập gần đây nhất (Hiệp hội câu cá Thể thao Việt Nam được Bộ Nội vụ cho phép thành lập ngày 15/8/2013), các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia đã bước đầu huy động được nguồn lực của xã hội, đóng góp sự phát triển thể thao Việt Nam và thiết lập quan hệ hợp tác về thể thao với hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ủy ban Olympic Việt Nam là thành viên chính thức của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), Hội đồng Olympic châu Á (OCA) và Liên đoàn thể thao Đông Nam Á, là cầu nối giữa các tổ chức xã hội về thể thao của Việt Nam với phong trào Olympic thế giới và các tổ chức thể thao quốc tế. Ngoài ra, Việt Nam còn tham gia, là thành viên chính thức của 64 tổ chức thể thao quốc tế và có khoảng trên 40 cán bộ thể thao Việt Nam tham gia trong Ban lãnh đạo, điều hành của các tổ chức thể thao quốc tế này. Các liên đoàn, hiệp hội quốc gia cũng đã góp một phần quan trọng, trong việc tổ chức thành công các sự kiện thể thao quốc tế tại Việt Nam: Đại hội Thể thao Đông Nam Á năm 2003 (SEA Games 22), Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á năm 2003 ( ASEAN PARA Games 2), Đại hội Thể thao châu Á trong nhà lần thứ 3 năm 2009 (AI Games III) và các giải vô địch châu lục của một số môn thể thao.
Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực, nhìn chung hoạt động của các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia hiện nay, vẫn chưa thể đảm nhận được công tác quản lý các hoạt động thể thao theo quy định của luật pháp, đặc biệt là thể thao chuyên nghiệp, phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động của một số liên đoàn, hiệp hội thể dục, thể thao quốc gia còn bị động, còn thiếu các quy định pháp lý về việc tham gia thực hiện một số hoạt động tác nghiệp trong lĩnh vực thể dục, thể thao.
Theo quy định của Luật Thể dục, Thể thao có hiệu lực từ ngày 1/7/2007, “Liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia là tổ chức xã hội - nghề nghiệp về thể thao, hoạt động theo hình thức tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện quyền, nghĩa vụ tổ chức, bộ máy nhân sự và tài chính theo quy định của pháp luật”. Liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia có quyền và nghĩa vụ thực hiện 11 nhiệm vụ:
1. Tập hợp, đoàn kết, động viên các thành viên tham gia phát triển môn thể thao trong nước.
2. Tuyên truyền lợi ích, tác dụng của môn thể thao.
3. Kiến nghị, đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về cơ chế, chính sách phát triển môn thể thao.
4. Huy động mọi nguồn lực phát triển môn thể thao; tổ chức các hoạt động kinh doanh dịch vụ hoạt động thể thao theo quy định của pháp luật.
5. Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động và cấp kinh phí cho các nhiệm vụ do Nhà nước uỷ quyền theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
6. Được nhận tài trợ, ủng hộ của tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài và quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, ủng hộ này theo quy định của pháp luật.
7. Tổ chức, quản lý các giải thể thao quốc gia và giải thể thao quốc tế tại Việt Nam theo thẩm quyền.
8. Quản lý vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài môn thể thao; cử vận động viên, đội tuyển thể thao tham gia thi đấu quốc tế.
9. Xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển thể thao chuyên nghiệp của môn thể thao và tổ chức triển khai, quản lý, điều hành sau khi được Uỷ ban Thể dục thể thao phê duyệt.
10. Hướng dẫn các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về thể thao ở ngành, địa phương về chuyên môn, nghiệp vụ.
11. Công nhận thành tích thi đấu thể thao, đẳng cấp vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài thể thao.
Nghị quyết số 05/2005/NĐ-CP, ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao, đã đưa ra chỉ tiêu định hướng đến năm 2010 về lĩnh vực thể dục thể thao “ Xây dựng hiệp hội, liên đoàn cấp quốc gia với tất cả các môn thể thao; 80% số môn thể thao có hiệp hội hoặc liên đoàn cấp tỉnh. Việt Nam có đại diện quốc gia trong hầu hết các tổ chức thể thao của khu vực, châu lục và thế giới.”. Tính đến nay, chỉ tiêu này vẫn chưa thể đạt được, hoạt động của đại đa số các liên đoàn, hiệp hội thể thao ở cấp quốc gia và cấp tỉnh thành phố còn yếu, chưa thể phát huy được vai trò của mình, nhà nước vẫn phải bao cấp về kinh phí, con người, kế hoạch hoạt động, công tác quản lý… cho hầu hết các liên đoàn, ngay cả 2 liên đoàn được coi là hoạt động có hiệu quả nhất hiện nay (Liên đoàn bóng đá Việt Nam và Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam), cũng chưa thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ theo quy định của luật pháp, mới chỉ đáp ứng được một phần yêu cầu đặt ra.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hoạt động yếu kém của các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia hiện nay, được xác định, là do công tác thực hiện xã hội hóa thể thao còn nhỏ lẻ và tự phát, nhiều chính sách và giải pháp đi vào đời sống thể thao thiếu đồng bộ, hiệu quả thấp, không phù hợp với thực tiễn, những thiếu sót này nằm chủ yếu ở khâu triển khai thực hiện, mà trách nhiệm trực tiếp thuộc về các cơ quan quản lý.
Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020 xác định“Thực hiện xã hội hóa các hoạt động thể dục thể thao, kết hợp việc kinh doanh thể dục, thể thao với công tác cung ứng dịch vụ công theo quy định của pháp luật. Mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế về thể dục, thể thao”.
Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 1/12/2011 của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020, cũng khẳng định nhiệm vụ và giải pháp đối với các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia “Phát huy vai trò của Ủy ban Olympic quốc gia, các liên đoàn, hiệp hội thể thao trong việc điều hành các hoạt động thể thao. Nghiên cứu việc hình thành hệ thống tổ chức xã hội mang tính liên hiệp về thể dục, thể thao từ cơ sở đến toàn quốc, để tập hợp và điều phối chung đối với các tổ chức xã hội về thể dục, thể thao, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, có sự quản lý và hỗ trợ về tài chính của Nhà nước. Khuyến khích các tổ chức xã hội, các cơ sở thể thao ngoài công lập tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao. Quan tâm phát triển công nghiệp dụng cụ, trang thiết bị thể thao và các hoạt động kinh tế phù hợp để tạo các nguồn thu trong thể thao”.
Theo chúng tôi, mục tiêu đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động TDTT, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia, chỉ có thể thực hiện được khi mà bên cạnh sự nỗ lực của các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia, các cơ quan quản lý nhà nước cần nhìn nhận các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia như nền móng của thể thao Việt Nam, thay vìchỉ là “cánh tay nối dài” để điều hành một số hoạt động thể thao của cơ quan quản lý nhà nước. Từ đó xây dựng các chính sách, những giải pháp đồng bộ, cơ bản, có tính lâu dài, phù hợp với đặc thù hoạt động của từng liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước cần phải đi trước một bước, tập chung vào các vấn đề:
- Chú trọng đến việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức thành viên của các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia.
- Xây dựng danh mục các công việc được sự hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia, khi thực hiện các nhiệm vụ công do nhà nước giao.
- Cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với những hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động công ích TDTT của các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia.
Như vậy các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia mới thực sự góp phần vào sự nghiệp phát triển thể dục, thể thao Việt Nam.
Tác giả bài viết: Tạp chí Thể thao
Nguồn tin: Tạp chí Thể thao