Ngoài việc đầu tư phát triển các môn thể thao hiện đại, nhiều địa phương trên cả nước đã có những biện pháp g gìn giữ, phát triển các môn thể thao dân tộc. Trong đó, có tỉnh Tuyên Quang.Các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, tung còn… chỉ cần một khoảng đất trống, một khoảng sân rộng là người dân có thể tổ chức chơi và thi đấu với nhau.
Thêm vào đó, dụng cụ thể thao cũng rất đơn giản, người dân có thể tự chế tác từ những vật liệu dễ kiếm, dễ tìm và có giá trị không cao. Các môn thể thao dân tộc tạo nên vẻ đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và là hình ảnh đặc trưng của lễ hội miền núi.
Tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện vẫn còn lưu giữ được khá nhiều môn thể thao, trò chơi dân gian gắn liền với đồng bào các dân tộc thiểu số. Các giải đấu, hoạt động TDTT đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa thường xuyên; là sân chơi bổ ích, nơi giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, xây dựng mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc, tạo không khí vui tươi lành mạnh, nâng cao sức khỏe người dân.
Không chỉ là những môn thể thao rèn luyện sức khỏe, nhiều VĐV đã trở thành lực lượng nòng cốt tham gia các giải thi đấu cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc.
Chị Hà Thị Khách, thôn An Phú, xã Tân An, Chiêm Hóa –Tuyên Quang cho biết: bản thân rất thích môn bắn nỏ, tại các giải thể thao dân tộc của địa phương, chỉ cần có môn bắn nỏ là chị đăng ký tham gia.
Với chị, bắn nỏ là môn thể thao có ý nghĩa đặc biệt, tinh túy và thiêng liêng nhất mà ông cha đã truyền lại. Vì thế, chị Khách cho rằng, trách nhiệm của bản thân là phải làm gương, "truyền lửa" để lớp trẻ yêu thích và gắn bó với môn bắn nỏ nhiều hơn. Tiếp nối thành tích của chị, các thành viên trong gia đình đều học bắn nỏ để phát huy truyền thống người Tày. Bên cạnh đó, chị còn tập hợp thanh niên yêu thích môn bắn nỏ trong thôn để tập luyện, hình thành ở họ ý thức lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Đời sống phát triển, thể thao có cơ hội được đầu tư, việc bảo tồn, phát triển các môn thể thao truyền thống không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần mà còn phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc.
Việc bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc đã được luật hóa. Minh chứng rõ nhất là trong luật TD,TTT năm 2006 có quy định về các môn thể thao dân tộc. Theo đó Nhà nước có chính sách bảo vệ và phát huy các môn thể thao dân tộc theo quy định của Luật Di sản văn hóa; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia khai thác và phát triển các môn thể thao dân tộc, chú trọng các loại hình thể thao của các dân tộc Theo Phó Giám đốc Sở VHTTDL Tuyên Quang Nguyễn Văn Hòa: Trong các nhóm giải pháp nhằm đưa công tác bảo tồn, gìn giữ, phát triển các môn thể thao dân tộc đạt hiệu quả, trước mắt các địa phương trong tỉnh cần đẩy mạnh tổ chức lồng ghép giao lưu, thi đấu thể thao dân tộc, coi đó là sản phẩm du lịch mới, đặc sắc của vùng miền để thu hút du khách, phát triển du lịch.
Đồng thời tích cực truyền dạy cho thế hệ trẻ, tăng cường phát hiện, tuyển chọn những tài năng trẻ, triển vọng, duy trì, nhân rộng câu lạc bộ thể thao dân tộc ở khắp các địa phương, làm lan tỏa tình yêu đối với thể thao dân tộc nói riêng, truyền thống văn hóa dân tộc nói chung.
Cùng với đó, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư, tăng cường nguồn kinh phí xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao là rất cần thiết để tạo động lực mạnh mẽ, khuyến khích phong trào rèn luyện, phát triển các môn thể thao dân tộc.