Sau cuộc họp đại hội đồng bất thường diễn ra vào đêm ngày 11/12, Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) đã chính thức công bố nước chủ nhà của World Cup 2030 và 2034. Theo đó, World Cup 2030 sẽ được tổ chức tại sáu quốc gia trên ba châu lục, còn giải đấu năm 2034 sẽ diễn ra tại Arab Saudi.
Chủ tịch FIFA, Gianni Infantino, là người chủ trì buổi họp này. Đại diện của 211 liên đoàn bóng đá trực thuộc FIFA đã tham dự theo hình thức trực tuyến. Cuối cùng, tất cả các thành viên của FIFA đã thống nhất về chủ nhà ở hai kỳ World Cup 2030 và 2034.
Chủ tịch FIFA Gianni Infantino công bố World Cup 2030 sẽ được đồng tổ chức tại Bồ Đào Nha, Morocco, Tây Ban Nha. Đây sẽ là kỳ World Cup đầu tiên trong lịch sử tổ chức ở nhiều châu lục khác nhau (châu Âu, châu Phi, Nam Mỹ) và chứng kiến số lượng quốc gia tổ chức lớn nhất trong lịch sử (6 quốc gia). Trận đấu khai mạc sẽ diễn ra tại Montevideo (Uruguay). Đây là nơi đăng cai kỳ World Cup đầu tiên vào năm 1930. Sau đó, hai trận tiếp theo diễn ra ở Argentina và Paraguay cũng nhằm kỷ niệm giải đấu tròn 100 tuổi.
"FIFA đang đưa bóng đá đến nhiều quốc gia hơn, nâng cao cơ hội và số lượng đội không làm giảm chất lượng", Infantino nói.
Trận khai mạc sẽ diễn ra tại Estadio Centenario ở Uruguay - sân vận động được xây dựng nhằm mục đích phục vụ kỳ World Cup đầu tiên năm 1930 và tổ chức trận chung kết.
Tuy nhiên, lễ khai mạc vẫn được tổ chức ở Morocco, Bồ Đào Nha hoặc Tây Ban Nha. Sau ba trận mở màn, Uruguay, Argentina, Paraguay cùng ba đối thủ của họ sẽ tới Morocco, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha để tham dự phần còn lại của giải đấu.
"Còn cách nào tuyệt vời hơn để kỷ niệm 100 năm vào năm 2030 bằng cách tổ chức World Cup tại sáu quốc gia, ở ba châu lục, với 48 đội và 104 trận đấu hoành tráng", Infantino nói với vẻ hào hứng về World Cup 2030 và cảm ơn sáu chủ tịch Liên đoàn Bồ Đào Nha, Morocco, Tây Ban Nha, Uruguay, Argentina, Paraguay.
Trong khi đó, do Australia rút lui, Arab Saudi là quốc gia duy nhất xin đăng cai World Cup 2034, và được FIFA công bố là nước chủ nhà của kỳ giải này.
Hoàng tử Abdulaziz bin Turki bin Faisal Al Saud, chủ tịch Ủy ban Olympic và Paralympic Saudi, xem đây là khoảnh khắc lịch sử và là giấc mơ thành hiện thực với đất nước. "Chúng tôi đang trên một hành trình chuyển đổi đáng chú ý theo Tầm nhìn 2030, và hôm nay ghi dấu bước tiến lớn khác, phản ánh và tôn vinh sự tiến bộ của Arab Saudi trong khi hướng tới một tương lai thậm chí còn tươi sáng hơn", ông nói.
"Bóng đá sống trong trái tim chúng tôi, vì vậy, việc tổ chức một kỳ World Cup là vinh dự lớn nhất, và chúng tôi đã nỗ lực hướng tới điều này suốt thời gian dài", chủ tịch LĐBĐ Arab Saudi, Yasser Al Misehal, tự hào. "Chúng tôi hoan nghênh trách nhiệm và cơ hội giúp phát triển bóng đá trên toàn cầu cho tất cả mọi người và đóng góp tích cực trên trường thế giới".
Sau khi Quốc gia Trung Đông được xác nhận là chủ nhà của World Cup 2034, 21 tổ chức gồm Tổ chức Ân xá Quốc tế, các tổ chức nhân quyền của cộng đồng người Arab Saudi, các nhóm lao động nhập cư từ Nepal, Kenya và các công đoàn quốc tế, đã công bố một tuyên bố chung lên án quyết định của FIFA.
"Quyết định liều lĩnh của FIFA khi trao quyền đăng cai World Cup 2034 cho Arab Saudi mà không đảm bảo thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ nhân quyền sẽ khiến nhiều sinh mạng gặp nguy hiểm", Steve Cockburn, giám đốc bộ phận quyền lao động và thể thao của Tổ chức Ân xá Quốc tế, tuyên bố.
Quốc gia này phủ nhận cáo buộc vi phạm nhân quyền và cho biết họ bảo vệ an ninh quốc gia thông qua luật pháp. Arab Saudi cũng chưa từng tổ chức giải đấu có quy mô như World Cup và sẽ phải xây dựng tám sân vận động để phục vụ ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
Theo ESPN, FIFA đang phải đối mặt với cuộc chiến với các giải đấu lớn của châu Âu - gồm Ngoại hạng Anh và La Liga - về kế hoạch tổ chức World Cup mùa đông ở Arab Saudi. Trong trường hợp tổ chức World Cup vào giữa mùa, tương tự tại Qatar 2022, FIFA cần đạt "thỏa thuận cụ thể" với các giải đấu và cầu thủ.
Minh Khang