Trong lịch sử, mỗi xã hội đã có sự phân biệt về vai trò xã hội của nam giới và nữ giới. Những khác biệt trong quan niệm về vai trò giới này phản ánh những thành kiến, còn được gọi là định kiến xã hội, do các thành viên trong xã hội tạo ra.
Ngày nay, vấn đề bình đẳng giới đã được quan tâm, chú ý nhiều hơn trình mọi mặt cuộc sống. Tuy nhiên, mức độ tham gia của nam và nữ trong các loại hình công việc, vị trí, do những quan niệm và chuẩn mực xã hội vẫn tạo nên sự mất cân đối và bất bình đẳng. Mà người ta thường gọi đó là sự bình đẳng chưa thực chất. Hoạt động thể dục thể thao là một lĩnh vực điển hình mà ở đó người ta thấy vẫn còn nhiều sự bất bình đẵng giữa nam và nữ. Vậy đâu là nguyên nhân khiến nữ giới thường ít tham gia vào các hoạt động thể dục thể thao.
Rất nhiều các nghiên cứu được thực hiện bởi các chuyên gia trong lĩnh vực TDTT như Eichler, Koppe và Warsilz, Rost, Wydra và Forster, Wehner, Wolters và Gebken… đều tập trung vào tìm hiểu vào tần suất và thói quen tham gia luyện tập TDTT của nữ giới. Bên cạnh việc chỉ ra những lợi ích của việc tham gia luyện tập TDTT thường xuyên đối với sức khỏe nữ giới, các chuyên gia cũng đưa ra được một số nguyên nhân giải thích lý do vì sao nữ giới thường ít tham gia vào các hoạt động TDTT.
Những nguyên nhân lý giải cho việc nữ giới ít tham gia vào các hoạt động TDTT có thể kể đến như thói quen, độ tuổi, trình độ, tình trạng xã hội, hoàn cảnh gia đình và ảnh hưởng của người xung quanh.
Dưới đây là tóm tắt một số nguyên nhân cơ bản đầu tiên giải thích cho việc vì sao nữ giới lại ít tham gia các hoạt động TDTT.
Ảnh hưởng của gia đình
Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến việc nữ giới tham gia các hoạt động TDTT chính là từ gia đình, hay cụ thể hơn là từ cách nuôi dưỡng và giáo dục của cha mẹ.
Nếu như cha mẹ cảm thấy không cần thiết trong việc hướng các em bé gái vào các hoạt động TDTT, mà thay vào đấy là các hoạt động khác như “nữ công gia chánh”, học tập, đàn hát… thì tỷ lệ các em bé gái khi trưởng thành cảm thấy thích thú với các hoạt động TDTT là không nhiều.
Theo thống kê, 25% trẻ em tại Pháp cho rằng các em không tiếp tục tham gia được hoạt động TDTT do gia đình không ủng hộ.
Thể thao là hoạt động có tính ganh đua cao
Nếu như đơn thuần hiểu “thể thao là chuỗi các hoạt động mang tính giải trí” thì có lẽ không đầy đủ. Thể thao, đặc biệt là các môn thể thao đối kháng, các môn thể thao võ thuật… còn đòi hỏi sự ganh đua, thi đấu giành thành tích vô cùng quyết liệt giữa các VĐV. Thể thao lúc này không đơn giản chỉ là những hành động giải trí, những màn biểu diễn cống hiến cho khán giả, cho người hâm mộ… mà còn là cách mà các VĐV, các đấu sỹ, các cầu thủ… được ghi danh trong lịch sử phát triển của thể thao thế giới.
Trong lịch sử phát triển của nhân loại nói chung và lịch sử phát triển thể thao nói riêng, thể thao và quân đội là hai lĩnh vực dường như được xem là dành riêng cho nam giới. Đấy là 2 lĩnh vực đòi hỏi sự rèn luyện, trau dồi kỹ năng, sức khỏe đồng thời sức chịu đựng lớn. Nếu như những người lính trong quân đội rèn luyện sức khỏe để phục vụ cho chiến đấu, thì VĐV lại rèn luyện sức khỏe, trình độ, kỹ năng để chuẩn bị cho những màn tranh tài quyết liệt.
Phụ nữ không có sức khỏe tốt như đàn ông
Dựa trên những nghiên cứu về giải phẫu học và sinh lý TDTT, nữ giới thường không có sức khỏe tốt được như đàn ông. Bên cạnh đấy, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trong quá trình thi đấu và luyện tập, nếu như cùng gặp phải một loại chấn thương, phụ nữ thường cảm thấy đau hơn nam giới. Lý do giải thích cho vấn đề này chính là do cơ thể của nam giới có tiết ra chất testosterone, giúp ức chế cơn đau và nhanh lành vết thương.
Tuy nhiên, việc phụ nữ không có sức khỏe tốt không có nghĩa là phụ nữ sẽ không thể tham gia luyện tập và thi đấu thể thao như đàn ông, mà thay vào đấy, họ sẽ có những bài tập, những phương pháp, những chế độ dinh dưỡng khoa học và hợp lý để ước mơ thể thao được tiếp tục.
Chế độ đãi ngộ không cao
Mức chi trả lương giữa VĐV nam và VĐV nữ thường khá chênh lệch, và một điều hiển nhiên là VĐV nữ thường nhận mức lương khá thấp. Theo thống kế của Liên đoàn Bóng đá Hoa kỳ, trong năm 2015, mặc dù đội tuyển Bóng đá nữ quốc gia giành được vị trí quán quân trọng Giải Vô địch Bóng đá nữ thế giới (FIFA World Cup của nữ) thì mức thưởng của toàn đội chỉ là 2 triệu đô-la Mỹ. Trong khi đấy, đội tuyển Bóng đá nam, với thành tích không quá xuất sắc, lại nhận được khoản thưởng lên tới 8 triệu đô-la Mỹ đến từ các nhà tài trợ.
Có thể nói, phần nào những ảnh hưởng đến từ chế độ đãi ngộ, chế độ khen thưởng… đã tác động không nhỏ đến quyết định có tham gia luyện tập, thi đấu thể thao của nữ giới.
Hình ảnh và những thành tích thi đấu thể thao chưa được quảng bá rộng rãi
Không quá khó để kể tên các VĐV nam nổi tiếng trên đấu trường thể thao quốc tế và khu vực, tuy nhiên, để kể tên các VĐV nữ thì điều này lại khiến người hâm mộ mất khoảng thời gian để suy nghĩ. Một phần là do chiến lược quảng bá và xây dựng hình ảnh của các cá nhân, các CLB, các môn thể thao. Một phần cũng là do xu hướng tìm hiểu và hâm mộ các VĐV thể thao của CĐV thường tập trung vào các VĐV nam. Một phần khác cũng là do tần suất xuất hiện trên những phương tiện truyền thông đại chúng của các môn thể thao nữ thường không nhiều như các môn thể thao nam.
Chất lượng địa điểm tập luyện thể thao
Mặc dù không thể khẳng định rằng tất cả các quốc gia đều không đáp ứng được chất lượng địa điểm luyện tập và hệ thống trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho quá trình luyện tập thể thao, nhưng nguyên nhân về cơ sở vật chất cũng ảnh hưởng không nhỏ đến số lượng nữ giới tham gia TDTT. Hơn 18% nữ giới lứa tuổi từ 12 đến 17 ở Pháp cho rằng họ ngại không tham gia thi đấu thể thao vì hệ thống chất lượng phòng tập tại địa phương không đáp ứng được nhu cầu, hoặc các em cảm thấy không thoải mái khi luyện tập, hoặc các em gặp bất tiện trong quá trình di chuyển từ nhà đến địa điểm luyện tập.
Giải thích cho vấn đề này, thống kê của Ủy ban Olympic Pháp đã chỉ ra rằng hầu hết các địa điểm luyện tập thể thao công cộng của Pháp mở ra thường để phục vụ cho nam giới, hoặc mở ở những địa điểm khá xa trung tâm. Hiện tại, Chính phủ Pháp đang cho triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển hệ thống cơ sở vật chất, địa điểm thi đấu đa dạng hơn giúp đáp ứng được nhu cầu của cả nữ giới.
Định hướng phát triển của quốc gia
Rất nhiều quốc gia có định hướng phát triển TDTT chưa đồng đều. Nguyên nhân dẫn đến vấn đề này có thể là do văn hóa, tôn giáo đặc trưng của từng nước, hay đôi khi là do cách thức phân bổ tài chính vào các môn thể thao phát triển trọng điểm.
T.Nhu (t/h)