Diễn ra trong 2 ngày 17, 18/11, Liên hoan Trình diễn Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Nghi lễ và trò chơi kéo co năm 2023 quy tụ 8 cộng đồng thực hành kéo co tại Việt Nam và Hàn Quốc.
Đây là lần đầu tiên sự kiện được tổ chức dưới sự phối hợp của 3 đơn vị, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội; UBND quận Long Biên; Hội Di sản Văn hóa Việt Nam. Chương trình có sự tham gia của Hội kéo co Gijisi (thành phố Dangjin, Hàn Quốc), Hội kéo co của cộng đồng người Dân tộc Tày đến từ tỉnh Lào Cai và 6 cộng đồng kéo co tại các tỉnh thành phố của Việt Nam.
Liên hoan có sự tham gia của gần 500 nghệ nhân và người thực hành nghi lễ và trò chơi kéo co đến từ các tỉnh Bắc Ninh, Lào Cai, Vĩnh Phúc, thành phố Hà Nội và thành phố Dangjin (Chungcheongnam, Hàn Quốc).
Kéo co không chỉ là trò chơi hay hoạt động thể thao mà còn là một nghi lễ gắn kết với lịch sử. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Văn Trụ, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, cho biết: nghi lễ kéo co tồn tại ở khắp cả nước, không chỉ trong cộng đồng người Kinh mà còn trong các dân tộc như Tày, Dáy, mỗi nơi có một sắc thái riêng, tạo nên sự đa dạng văn hóa. “Khi được UNESCO vinh danh thì di sản này không chỉ là của riêng một cộng đồng hay riêng Việt Nam mà còn là một phần của di sản thế giới, do đó chúng ta cần gìn giữ, phát huy, liên kết các cộng đồng trong nước, từ đó kết nối với các nước khác cũng sở hữu di sản này,” ông Trụ khẳng định
Kéo co có nguồn gốc từ rất lâu đời là một trò chơi dân gian và trở thành môn thể thao hiện đại có thể lệ thi đấu cơ bản được đưa vào thi đấu ở các giải thể thao hầu hết ở các quốc gia trên thế giới. Riêng, trò chơi kéo co dân gian của Việt Nam đã được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tại các kỳ đại hội thể dục thể thao các cấp, ngành TDTT thành phố Cần Thơ tổ chức đã đưa môn kéo co vào thi đấu chính thức phục vụ nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần cả người dân ở cơ sở.
PV