Đằng sau thành công của Sharapova chẳng có bí mật nào ngoài khát khao thành công và lao động cực nhọc.
Câu chuyện về lòng khát khao
Mười năm sau lần nâng chiếc cúp vô địch Wimbledon, Sharapova ôm chiếc cúp Roland Garros với cảm xúc như nguyên vẹn. Thậm chí là hơn.
Như một lẽ thường tình, khi khát khao tột độ và nỗ lực tột cùng, thì cảm xúc chiến thắng mới thăng hoa.
Nỗ lực của Sharapova ở Roland Garros được đong đếm bằng bốn trận thắng liên tiếp kết thúc sau ba set, trong đó có ba trận liên tiếp phải lội ngược dòng.
Trận duy nhất trong chuỗi trận đấu ấy cô thắng set đầu thì kéo dài ba tiếng, và là chung kết với một trong những tay vợt ấn tượng nhất trong hơn một năm qua, Simona Halep. Đó cũng là lần đầu tiên sau hơn một giáp, Roland Garros mới có trận chung kết nữ kéo dài sang set thứ ba.
Sharapova luôn khát khao thành công
Còn khát khao? Tháng Tám năm 2013, Sharapova đưa ra một quyết định bất ngờ: Cô chấm dứt hợp đồng với HLV Jimmy Connors chỉ sau một trận đấu.
Huyền thoại người Mỹ (Connors từng giành tám Grand Slam) không thích hợp với các kế hoạch của Sharapova. Cô muốn chiến thắng trong mọi trận đấu, mọi giải đấu, còn Connors thì tính đường dài.
Cuối năm, Sharapova lôi được Sven Groeneveld ra khỏi đội ngũ HLV của Adidas để về với ê kíp của cô. Masha đã làm được một việc không hề dễ, bởi cô là người của Nike.
Federer đã từng thử một lần câu người của Adidas, nhưng bất thành: Anh muốn có Darren Cahill rồi sau đó chấp nhận với phương án Paul Annaconne.
Điều Masha thuyết phục được Groeneveld là tham vọng của cô, một người đã 27 tuổi, đã sưu tập đủ bộ Grand Slam, nhưng chưa bao giờ muốn dừng lại.
Thực ra, sự no đủ của Masha không nằm ở số lượng danh hiệu, vì nó chưa bằng số lẻ của 17 danh hiệu mà đối thủ lớn nhất của cô, Serena Williams giành được.
Điều tạo nên một Masha được xếp ở vị trí biểu tượng của tennis hiện đại là thành công ngoài sân cỏ. Mười năm liên tiếp, Masha đứng số 1 trong danh sách những tay vợt nữ có thu nhập cao nhất. Forbes thống kê thu nhập của cô hiện ở mức gần 25 triệu USD/năm.
Người ta vẫn nói, Sharapova đạt được điều đó chỉ nhờ đôi chân dài miên man và gương mặt như một búp bê. Không hẳn. Nếu như thế thì cô sẽ không bao giờ vượt qua được Anna Kournikova – một búp bê Nga trứ danh khác (nay đã gác vợt), và nếu có, cũng khó bền.
Biểu tượng của thành công ngoài sân cỏ của Sharapova không hẳn là hợp đồng với Porsche, Tag Heuer, thậm chí Nike. Nó là Sugarpova, nhãn hiệu của loại kẹo do chính cô đưa ra, gây dựng và phát triển. Bây giờ, Masha không chỉ là một tay vợt, một người mẫu, mà là CEO.
Câu chuyện về đôi chân dài hay sự khổ luyện
Một sự nhầm lẫn khá phổ biến khi người ta nhìn vào Sharapova, vào đôi chân dài của cô đồng nghĩa với tốc độ trên sân đấu.
Nhưng chiều dài của chân không đồng nghĩa với những bước chân di chuyển nhanh trong tennis. Sharapova thiếu khả năng bùng nổ sức mạnh nên thiếu sức bật vọt.
Sharapova là tấm gương của sự khổ luyện trên sân tập
Chính Halep, dù đứng chỉ tới vai của Sharapova mới là người hơn hẳn khi xét về footwork (di chuyển).
Hạn chế về tốc độ di chuyển của Sharapova khiến cô hay bị đối phương khai thác bằng những đường bóng ngắn. Nó cũng là lý do hầu như Sharapova chỉ biết chơi tấn công, và chắc thua khi phải phòng ngự.
Và cho tới ba năm về trước, Sharapova tự nhận cô chỉ là “con bò trên sân băng” khi đứng trên sân đất nện cũng vì điều này. Bởi trên mặt sân màu đỏ, những bước di chuyển đổi hướng càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, và bước xoạc là mấu chốt trong di chuyển.
Khi Sharapova đạt được những thành công đầu tiên trên sân đất nện năm 2012, giành Roland Garros thứ nhất và vô địch Stuttgart, Rome, chính bản thân cô bất ngờ với kết quả ấy.
Một năm sau, thành công của Sharapova trên sân đất nện được tiếp nối với việc cô bảo vệ thành công danh hiệu Stuttgart, vào tới chung kết Madrid và năm thứ hai liên tiếp đi tới trận cuối cùng để gặp Serena Williams, người ta nhận ra cô đã cải thiện rất nhiều về khả năng di chuyển trên sân đất nện.
Và năm nay, Sharapova không chỉ đăng quang ở Stuttgart, Madrid, và Roland Garros bằng thứ tennis tấn công. Masha phòng ngự, cứu bóng và buộc đối phương phải mắc lỗi khi họ tấn công.
Hai trận chung kết với Halep là khi Masha phải đương đầu với một chuyên gia tấn công, có khả năng đổi hướng đánh cực tốt, biết kết hợp giữa những cú thuận tay cực xoáy bằng cách vắt vợt qua đầu (như Nadal) ở giai đoạn kết thúc vợt theo bóng và các cú bóng bạt bằng sức rướn và cảm nhận cực tốt để đè bóng.
Qua được cửa ải ấy, nhìn cách chơi của Sharapova có thể khiến người ta không còn đặt vấn đề rằng chiến thắng của cô nhờ một phần Serena bị loại từ sớm. Có thể tin, nếu họ gặp nhau, Sharapova có thể làm được nhiều hơn so với tỉ số 4-6 4-6 trong trận chung kết tại Paris một năm về trước.
Bởi, một tay vợt cải thiện được khả năng di chuyển, chơi phòng ngự tốt hơn sẽ tạo ra thử thách rất lớn về mặt tâm lý cho đối thủ, buộc người đối diện phải đạt tới độ chính xác như một chiếc máy bắn bóng.
Sự cải thiện ấy là kết quả tất yếu mà nó chính là một biểu hiện cho cả nỗ lực và khát khao của Masha: Cô có một ê kíp huấn luyện hàng đầu, thậm chí hùng hậu và chất lượng hơn cả ê kíp của Nadal hay Djokovic.
Đứng sau lưng Masha giờ đây là Sven Groeneveld-một người Hà Lan là thày; để có đối tác đối luyện là Dieter Kindlmann – một người Đức; có chuyên gia thể lực – một người Pháp, Jérôme Bianchi (từng góp phần tạo nên tên tuổi Amelie Mauresmo – ngôi sao nữ người Pháp và nay là HLV của Andy Murray) hiện diện ở mọi giải đấu và có sự bổ sung của huấn luyện viên thể lực danh tiếng người Nhật Nakamura.
Có được những người như thế có phải vì Masha đủ khả năng trả lương khủng? Có thể, nhưng cô không phải là người duy nhất trong thế giới WTA xét về mặt tài chính bởi Serena và cả Li Na cũng như Azarenka, thậm chí Ivanovic hay Wozniacki đều làm được.
Mấu chốt là bởi, như tờ Marca gọi cô là một superhuman – một siêu nhân!
tintheothao.com.vn