Tham dự hội thi có gần 350 vận động viên của 11 huyện miền núi trong tỉnh và huyện Đông Sơn. Các VĐV tranh tài ở 5 môn thi đấu, gồm Đẩy gậy, Bắn nỏ, Tung còn, Kéo co và Bóng chuyền.
Môn Đẩy gậy được chia thành các hạng cân nam, nữ. Môn Bóng chuyền nam có 4 đội và bóng chuyền nữ có 4 đội, thi đấu vòng tròn 1 lượt tính điểm, xếp hạng. Môn Bắn nỏ, Tung còn thi đấu theo các nội dung dành cho nam và nữ. Môn Kéo co có sự tham gia của 6 đội nam và 4 đội nữ của các đơn vị.
Ban Tổ chức sẽ trao huy chương, cờ, phần thưởng cho các VĐV, các đội tuyển giành thứ hạng cao tại các nội dung thi đấu của Hội thi. Căn cứ thành tích huy chương đạt được, Ban Tổ chức sẽ trao Cờ Nhất, Nhì, Ba toàn đoàn cho các đơn vị xuất sắc nhất.
Hội thi là sân chơi bổ ích, thiết thực, ý nghĩa nhằm khai thác các tiềm năng và phát triển các môn thể thao truyền thống, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS xứ Thanh, qua đó tiếp tục phát triển phong trào TDTT tại các huyện miền núi nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung.
Có mặt tại Hội thi từ sáng sớm, chị Nguyễn Thị Thanh, đến từ huyện Mường Lát, dân tộc Mường chia sẻ: đã nhiều năm nay rồi, năm nào tôi và gia đình cũng tham dự Hội thi thể thao dân tộc do tỉnh tổ chức. Đến với Hội thi, được hòa mình vào không khí sôi nổi, náo nhiệt, tôi thấy mình như đang được tham gia thi đấu cùng các vận động viên. Thích nhất với tôi đó là môn đẩy gậy. Để giành chiến thắng người chơi không những cần đến sức mạnh mà còn cần phải có sự khéo léo, kỹ thuật và tâm lý vững vàng để giành chiến thắng. Đây cũng chính là điểm hấp dẫn trong bộ môn thể thao truyền thống này”.
Không chỉ có bộ môn đẩy gậy thu hút nhiều người tham gia cổ động mà môn thi kéo co cũng thu hút đông đảo người xem. “Kéo co là môn thể thao dân dã. Kéo co không chỉ mang lại cho con người niềm hứng khởi, sức khỏe mà còn đề cao tinh thần chiến đấu, tinh thần đồng đội, nêu được giá trị của từng cá nhân gắn kết để làm nên một tập thể vững mạnh, một cộng đồng tốt đẹp. Đây là môn thể thao mang tính đối kháng cao, nhưng cách thức tổ chức và điều kiện đảm bảo cho cuộc chơi lại đơn giản. Đội chơi có thể là nam, nữ hoặc gộp cả nam và nữ.
Hay ở môn Tung Còn- trò chơi dân gian đặc sắc của đồng bào các dân tộc được nhiều bà con yêu thích tập luyện và thi đấu trong các dịp Lễ, Tết. Đến với môn Tung Còn, VĐV Lò Thị Sơn - dân tộc Thái cho biết: Tung còn là một trò chơi dân gian gắn bó mật thiết với bà con dân tộc Thái chúng em. Hội thi là dịp để em được giao lưu, thi đấu với các VĐV đến từ các huyện trong tỉnh. Em rất vui và vinh dự được đại diện cho địa phương góp mặt tại Hội thi năm nay.
PV