Môn đua ghe ngo đặc trưng của người dân tộc Khmer luôn thu hút đông đảo người xem.
Có mặt tại cuộc thi liên hoan ẩm thực - một trong chuỗi các hoạt động của ngày hội văn hóa, thể thao đồng bào dân tộc Khmer lần thứ V - 2014 diễn ra tại chùa Phù Ly (huyện Bình Minh), chúng tôi chứng kiến được nhiều hoạt động đặc sắc khác với những năm trước. Năm nay, để gắn chặt hơn tình đoàn kết và kết hợp giữa các nền văn hóa cũng như ẩm thực giữa các dân tộc, ban tổ chức khuyến khích các đội chế biến những món ăn kết hợp giữa người Kinh và người Hoa, hay người Kinh và Khmer để tham gia cuộc thi ẩm thực. Số lượng các đội thi cũng tăng lên thêm 2 đội thành 8 đội đại diện cho 4 huyện (Vũng Liêm, Long Hồ, Tam Bình, Trà Ôn), 1 thị xã (thị xã Bình Minh) trên địa bàn tỉnh. Đầu bếp có thể là người Kinh hướng dẫn cho người Khmer cách nấu món bún riêu đậm đà, ngược lại các chị em người Khmer cũng giúp các đội khác chế biến món tráng miệng bằng trái thốt nốt đậm đà.
Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Lưu Hoàng Minh - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Việc làm tỉnh, Phó Ban tổ chức cuộc thi liên hoan ẩm thực cho biết: Năm nay các đội tham gia cuộc thi chuẩn bị rất kỹ càng, từ việc chế biến đến việc thuyết minh về các món ăn. Có nhiều món ăn mang đậm đà bản sắc riêng của các dân tộc… Đặc biệt, năm nay có sự tham gia của người Hoa vào cuộc thi ẩm thực. Ông La Đê (ngụ phường Cái Vồn, thị xã Bình Minh) cùng với các thành viên của hội người Hòa đến tham gia cuộc thi. Để ra mắt ấn tượng, ông và các thành viên trong đội đã chọn món vịt hấp rượu hoa điêu. Ông La Đê thông tin về món ăn này: Đây món ăn công phu và tốn rất nhiều thời gian, từ khi chế biến tới khi hoàn thành mất khoảng 4 đến 5 tiếng đồng hồ. Món ăn truyền thống này chỉ nấu trong dịp cưới hỏi của người Hoa, nên chúng tôi muốn đem món ăn nhiều may mắn và hạnh phúc này đến cùng chia sẻ và tham gia cuộc thi với mong muốn có được giải cao trong lần ra mắt này…”.
Còn đội người dân tộc Khmer của huyện Tam Bình tham gia cuộc thi này vẫn là món ăn đặc sắc của dân tộc Khmer: bún nước lèo. Theo như nhiều người dân ở đây cho biết: Sở dĩ bún nước lèo chỉ có người dân tộc Khmer nấu mới ngon là do trong đó có thành phần gia vị mắm bò hoóc của người Khmer. Bà Thạch Thị Phai (xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình) cùng tham gia cuộc thi ẩm thực lần này phấn khởi nói: "Cả năm bà con Khmer tập trung làm ăn, ít có dịp được quây quần, tụ họp với nhau. Ngày hội này đúng vào dịp Tết Chol chnăm thmây nên mọi người ở khắp nơi trở về tụ họp, đồng thời còn là dịp để bà con gặp gỡ, trò truyện, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm nấu ăn giữa người Kinh, người Khmer và người Hoa.”.
Nằm trong chuỗi các hoạt động ngày hội văn hóa, thể thao Khmer còn có các hoạt động đặc sắc như: Triển lãm ảnh với chủ đề bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer và người dân Khmer tham gia tiến trình xây dựng nông thôn mới; biểu diễn nghệ thuật truyền thống Khmer. Ban tổ chức còn khuyến khích các đơn vị đầu tư vào các tiết mục biểu diễn dù kê, xem đây là một trong những cách bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống này. Hoạt động thể thao năm nay vẫn là những môn đặc trưng như: bóng đá, bóng chuyền, đẩy gậy, kéo co. Nhưng có lẽ môn đua ghe ngo được nhiều người mong chờ nhất. Đây là môn thể thao đặc sắc của người dân tộc Khmer. Đặc biệt, điểm nhấn của hoạt động thể thao năm nay chính là đua ghe tam bản. Ông Nguyễn Thanh Dũng - Trưởng Phòng Nghiệp vụ văn hóa của Sở VHTT&DL tỉnh Vĩnh Long cho biết: Ghe tam bản là hoạt động đường sông chính của bà con Nam Bộ những năm trước đây, đặc biệt trong chiến tranh ghe tam bản đã giúp các chiến sĩ vận chuyển, di chuyển rất dễ dàng… Những năm gần đây, do các phương tiện giao thông hiện đại như xe máy, tàu cao tốc, xuồng bằng nhựa xuất hiện ngày càng nhiều nên người dân cũng ít sử dụng ghe tam bản. Ban tổ chức muốn thông qua cuộc đua ghe tam bản tái hiện lại hình ảnh chiếc ghe quen thuộc của bà con Nam Bộ, đồng thời là cách góp phần gìn giữ lại phương tiện đặc sắc mang đậm nét văn hóa của người dân Nam Bộ.
Ông Phan Văn Giàu - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Vĩnh Long, Trưởng Ban tổ chức ngày hội văn hóa, thể thao đồng bào Khmer tỉnh Vĩnh Long cho biết: "Đồng bào Khmer sinh sống tại tỉnh Vĩnh Long có 21.820, người chiếm 2,1% dân số toàn tỉnh, sinh sống tập trung tại 10 xã và 1 thị trấn của 4 huyện, 1 thị xã. Mặc dù so với nhiều tỉnh thành khác trong khu vực ĐBSCL số đồng bào dân tộc Khmer có ít hơn nhưng bà con vẫn giữ được những phong tục, tập quán truyền thống đặc trưng riêng của mình. Trong quá trình chung sống với các dân tộc khác không tránh khỏi bị ảnh hưởng, mai một các phong tục, tập quán. Vì vậy hàng năm Vĩnh Long đã tổ chức thường xuyên ngày hội văn hóa, thể thao đồng bào dân tộc Khmer để bà con bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn ngay trong nếp sống hằng ngày của mình…