Là tỉnh chủ nhà, trong suốt nhiều tháng qua và đặc biệt trong 3 ngày diễn ra lễ hội, Hòa Bình đã dồn tòan tâm, tòan lực tổ chức chu đáo các nội dung, mang lại không khí lễ hội sôi động thu hút đông đảo người dân quan tâm theo dõi. Các chương trình trong khuôn khổ ngày hội mang đậm bản sắc dân tộc, tái hiện chân thực và sinh động một Tây Bắc thu nhỏ giữa lòng thành phố Hòa Bình, giúp người dân hiểu, thêm yêu nền văn hóa các dân tộc Tây Bắc và tăng cường khối đại đòan kết. Nổi bật trong ngày hội là lễ khai mạc được tổ chức quy mô, hòanh tráng với sân khấu trang hoàng ánh sáng rực rỡ, bố cục sân khấu lồng ghép và tái hiện cuộc sống hiện đại nhưng vẫn giữ gìn bản sắc của các dân tộc Tây Bắc. Chương trình nghệ thuật trong lễ khai mạc với chủ đề: “Hoà điệu Tây Bắc – thiên nhiên kỳ ảo và hồn người đắm say” gồm 3 chương với chương I: Đường lên Tây Bắc,Chương II: Hoà điệu kỳ ảo, Chương III: Hoà Bình trong khát vọng mới. Chương trình nghệ thuật khái quát lên một bức tranh Tây Bắc muôn màu cuộc sống của trên 30 dân tộc anh em trong tiến trình phát triển được thể hiện qua màn kết hợp múa tái hiện của các nghệ nhân với sự trợ giúp của màn hình ánh sáng và hệ thống âm thanh mang đậm âm hưởng của vùng Tây Bắc, độc đáo, ấn tượng và vô cùng thu hút.
Ngày hội diễn ra liên tục với các hoạt động triển lãm, trưng bày, phiên chợ vùng cao và các phần thi. Các chương trình diễn ra nghiêm túc, vui tươi, nhiều chương trình thành công ngòai dự kiến: phiên chợ Vùng cao xảy ra hiện tượng "cháy hàng" ngay trong buổi sáng, nhưng đã kịp thời được các đơn vị tiếp tục vận chuyển sản phẩm lên trưng bày và phục vụ người dân tới thăm quan, mua sắm. Tại khu vực Quảng trường Cung Văn hóa tỉnh, triển lãm hình ảnh Tây Bắc, Triển lãm ảnh nghệ thuật “Sắc màu Tây Bắc” và Trưng bày Bảo tàng, Trại văn hóa và trình diễn nghi thức sinh hoạt văn hóa tái hiện không gian văn hóa – xã hội, kinh tế đậm chất Tây Bắc với những sản vật và đặc sản của từng tỉnh, từng dân tộc như rượu ngô Lai Châu, Miến dong Si Ma Cai- Lào Cai…Phần thi Trình diễn trang phục dân tộc với những bộ trang phục rực rỡ sắc màu, sáng bừng bản sắc trong từng hoa văn, nếp váy áo. Phần thi thuyết minh viên du lịch là cơ hội để các tỉnh giao lưu và mở rộng liên kết cung đường văn hóa du lịch Tây Bắc, đưa hình ảnh Tây Bắc đến với bè bạn trong nước và quốc tế qua du lịch. Phần thi đấu các môn thể thao cũng hấp dẫn với Tu lu, bắn nỏ, kéo co…những môn thể thao thế mạnh và cần tiếp tục được bảo tồn, phát huy của các dân tộc Tây Bắc Việt Nam. Liên hoan nghệ thuật quần chúng diễn ra sôi nổi với nhiều màn ca múa nhạc đặc sắc, thể hiện sự sáng tạo, tính độc đáo của văn hoá truyền thống mỗi dân tộc.
Nhìn chung chương trình ngày hội diễn ra bảo đảm trong không khí vui tươi, đòan kết, trong suốt quá trình diễn ra ngày hội, công tác an ninh được bảo đảm chặt chẽ và trật tự, không xảy ra hiện tượng lộn xộn về đón tiếp, bố trí ăn ở, vui chơi ở bất cứ địa điểm nào. Tuy nhiên, trong suốt quá trình diễn ra ngày hội vẫn còn những hạt sạn nhỏ không tránh khỏi: khu vực Quảng trường Cung Văn hóa tỉnh nơi tổ chức các hoạt động chính của lễ hội khá hẹp, do đó khi tổ chức các sự kiện lớn rất khó bố trí chỗ ngồi xem cho người dân, đa phần phải đứng chen lấn trong một không gian chật hẹp và hạn chế; việc tắc đường sau khi kết thúc lễ hội và xem bắn pháo hoa vẫn diễn ra như mọi năm; một số phần thi vẫn còn hiện tượng lộn xộn, tranh cãi nhỏ…những khó khăn này là trong tầm dự kiến, tuy nhiên do điều kiện kinh tế, xã hội của tỉnh còn hạn chế, do đó trong khả năng cho phép và sự nỗ lực hết mình, có thể đánh giá tỉnh Hòa Bình đã tổ chức thành công tốt đẹp ngày hội VH,TT&DL các dân tộc vùng Tây Bắc năm 2013. Hẹn gặp lại ngày hội này lần thứ XIII năm 2016 tại Lào Cai và chờ đón 24 năm sau, ngày hội văn hóa đặc biệt sẽ quay trở lại mảnh đất Hòa Bình.