Một trong những chấn thương thể thao thường gặp nhất trong môn cầu lông là vọp bẻ hay còn gọi là chuột rút (muscle cramp). Vọp bẻ khi chơi cầu lông hay xảy ra ở cơ vùng bắp chân (bắp chuối), cơ đùi.
“Vọp bẻ” được định nghĩa như sau: Đó là sự co thắt cơ từng cơn, mạnh mẽ, và ngoài ý muốn của người chơi. Sự co thắt cơ này có thể kéo dài từ vài giây đến hàng chục phút.
Dấu hiệu nhận biết của vọp bẻ là:
- Dấu hiệu sớm: Rung cơ – spasm (cơ bị máy, bị co giật nhẹ).
- Dấu hiệu rõ: Đau xảy ra ngay khi người chơi vừa làm một động tác quá sức (bước sải dài, nhảy đập cầu, …). Đau cơ khiến người chơi không thể đứng được, phải ngồi bệt xuống sân. Nhìn vào vùng cơ bị đau thấy bắp thịt nổi vồng lên. Khi sờ bắp chân hay bắp đùi thấy cơ gồng cứng.
Vọp bẻ hay còn gọi là chuột rút
Nguyên nhân của vọp bẻ
Vọp bẻ có hai nguyên nhân chính được giả định như sau
1. Cơ quá mỏi mệt (neuromuscular theory);
2. Mất thăng bằng điện giải trong cơ thể (dehydration–electrolyte imbalance theory) do mất nhiều nước (đổ mồ hôi khi vận động).
Trong phạm vi bài viết này tôi sẽ không trình bày sâu lập luận của các lý thuyết trên (hơi bị … nhức đầu) và nghĩ rằng, chúng ta chỉ cần biết vắn tắt là: Vọp bẻ xảy ra khi cơ quá mỏi mệt, hệ thống tuần hoàn không cung cấp đủ oxy cho cơ bắp, có tình trạng rối loạn điện giải cục bộ (tại vùng cơ vọp bẻ), cơ thể đang bị mất nhiều nước hơn khả năng chịu đựng, và có thể cơ thể đang bị thiếu hụt một số nguyên tố vi lượng (can-xi, ka-li, vitamin, …).
Và, cũng xin nhắc rằng, các nguyên nhân chỉ mới là giả định. Bởi, không lý thuyết nào trong số hai lý thuyết trên có thể giải thích được hợp lý mọi trường hợp vọp bẻ.
Cách xử trí vọp bẻ
Đẩy mũi bàn chân về phía người bị vọp bẻ, trong khi vẫn luôn giữ chân thẳng và ép sát sàn
Vọp bẻ được xem là một trường hợp cấp cứu trong thể thao. (Đừng chủ quan rằng vọp bẻ không nguy hiểm. Trong những trường hợp nặng, vọp bẻ có thể xảy ra cả ở những cơ hô hấp. Khi đó, người chơi có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng do không thể thở được.)
Xử trí như sau
a. Người chơi cần dừng chơi ngay lập tức, ngồi nghỉ ở nơi thoáng khí, mát mẻ. Uống bù nước.
b. Người bị vọp bẻ ngồi bệt dưới sàn. Săn sóc viên giúp kéo giãn cơ như sau:
Duỗi thẳng chân, mũi bàn chân hướng lên trên;
Đẩy mũi bàn chân về phía người bị vọp bẻ, trong khi vẫn luôn giữ chân thẳng và ép sát sàn;
Gót chân sẽ bị kéo dãn ra xa làm dãn gân cơ bắp chân (bắp chuối).
c. Có thể xoa bóp nhẹ thêm vùng cơ bị co rút; dùng thêm các thuốc xịt lạnh (cool spray) hay chườm nóng (hot compressed) cũng tốt. Các biện pháp trên đều giúp cơ mau dãn ra.
Đề phòng vọp bẻ
Trước khi chơi
* Dinh dưỡng hiển nhiên là đóng vai trò rất quan trọng cho sức khỏe chung và để tránh vọp bẻ nói riêng. Tuy nhiên, phần lớn người chơi nghiệp dư đều không quan tâm. Một phần vì thiếu hiểu biết, nhưng phần lớn là do người ta không hình dung có mối liên hệ trực tiếp giữa việc dinh dưỡng không đầy đủ và vọp bẻ. Thiếu hụt vitamin B1, B5, B6 có thể dễ dẫn đến vọp bẻ khi vận động ở cường độ cao.
* Lưu ý rằng, người đang sử dụng vài loại thuốc lợi tiểu, hạ huyết áp và giảm cholesterol máu cũng dễ có nguy cơ bị vọp bẻ.
* Khởi động (làm nóng) kỹ lưỡng phần trên và phần dưới cơ thể là điều rất nên làm cho dù bạn chỉ chơi ở mức nghiệp dư (bởi vì chấn thương thể thao không phân biệt chuyên nghiệp hay nghiệp dư!). Đọc các bài viết về khởi động dưới đây:
- Khởi động cơ thể ở trạng thái tĩnh
- Khởi động cơ thể ở trạng thái động
Trong khi chơi
* Luôn giữ cơ thể ở trạng thái cân bằng về nước (adequately hydrated), tức là đừng để cơ thể ở trạng thái mất nước kéo dài. Khát là dấu hiệu sớm cho biết cơ thể đang bị mất nước. Uống bù nước là điều mà mọi người chơi thường làm. Uống bù nước không chỉ “trả lại” cho cơ thể lượng nước “thất thoát” ra (do đổ mồ hôi) mà còn làm cân bằng lại tình trạng điện giải của cơ thể, qua đó làm ổn định cơ chế hoạt động cơ-thần kinh của cơ thể. Đây mới chính là điều quan trọng nhất của việc bù nước.
* Giới hạn hoạt động. Nói thì dễ làm mới … khó, bởi vì đã chơi là … “máu”, là luôn muốn chơi hết sức hết mình mà quên đi rằng sức mình … có hạn! Nếu bạn đã thấy cơ bị run (máy) đó là dấu hiệu sớm cảnh báo của vọp bẻ. Nên dừng ngay cuộc chơi, dùng các biện pháp mát-xa nhẹ và có thể phối hợp thêm những thuốc xịt lạnh (cool spray) hay chườm nóng. Sau đó, nếu tiếp tục cuộc chơi bạn nên giới hạn các hoạt động chạy nhảy của mình và “nghe ngóng” phản ứng của cơ thể (cơ bắp). Nếu “không thấy gì”, bạn có thể tiếp tục chơi như cũ. Nếu “thấy không êm”, không nên thực hiện những động tác với biên độ quá rộng, di chuyển quá nhanh hay dùng lực quá mạnh. Tốt nhất nên nghỉ hẳn thì hơn!
Sau khi chơi
* Ngồi yên một chỗ sau khi vận động không phải là cách giúp cơ thể hồi phục một cách đúng đắn và tích cực! Thả lỏng cơ thể và giúp cơ thể hồi phục bằng những động tác kéo dãn cơ nhẹ nhàng, không chỉ giúp phòng chống vọp bẻ mà còn tốt cho hệ tim mạch và hô hấp.
* Tiếp tục uống bù nước cho cơ thể.
Vài ứng dụng đông y để tìm hiểu thêm
Huyệt Huyết Hải và Dương Lăng Tuyền: Bấm và xoa bóp các huyệt Huyết Hải (ở phía trên bờ trong xương bánh chè 2 đốt ngón tay) và Dương Lăng Tuyền (trong chỗ lõm trước và dưới đầu xương trâm – xương mác). Mỗi huyệt làm khoảng 1 phút.
Bấm và xoa bóp các huyệt Huyết Hải và Dương Lăng Tuyền
Huyệt Thừa Sơn và Uỷ Trung: Dùng ngón tay cái hay ngón trỏ bấm với áp lực vừa phải vào các huyệt Thừa Sơn (ở chính giữa mặt sau cẳng chân), và huyệt Ủy Trung (ở mặt sau đầu gối, ở giữa nếp nhượng chân). Mỗi huyệt được bấm trong 1 đến 2 phút, cho đến khi có cảm giác căng và tê tại chỗ lan xuống đến bàn chân.
Dùng ngón tay cái hay ngón trỏ bấm với áp lực vừa phải vào các huyệt Thừa Sơn và huyệt Ủy Trung
Gân gót Achilles: Dùng các đầu ngón tay bấm và đẩy các gân Achilles (gân gót) trong 1 phút
Dùng các đầu ngón tay bấm và đẩy các gân Achilles
Theo shopcaulong.com