Ngày 25/7, Hội nghị thượng đỉnh “Thể thao vì sự phát triển bền vững” chính thức khai mạc lần đầu tiên tại Paris (Cộng hòa Pháp), trước thềm khai mạc Thế vận hội 2024. Sự kiện do Pháp và Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) phối hợp tổ chức nhằm đẩy nhanh sự đóng góp của thể thao cho các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc vào năm 2030.
Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về thể thao và phát triển bền vững có sự tham dự của Chủ tịch IOC - Thomas Bach và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. IOC và Văn phòng Tổng thống Pháp đã phối hợp để tổ chức Hội nghị này, thu hút khoảng 500 người tham dự, trong đó có các nguyên thủ quốc gia và chính phủ, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, VĐV và đại diện của phong trào thể thao (Liên đoàn Pháp và quốc tế, Phong trào Olympic), hiệp hội, các doanh nhân nhiều tổ chức...
Hội nghị đã đưa các nội dung thảo luận, trong đó khởi động sáng kiến “thể thao và phát triển bền vững” toàn cầu hướng vào 5 lĩnh vực gồm giáo dục - việc làm, y tế - dinh dưỡng, bình đẳng - hòa nhập, tính bền vững - di sản, tài chính - đo lường tác động. Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về thể thao và phát triển bền vững được phát trực tuyến trên các nền tảng của IOC và Ban tổ chức chủ nhà Pháp của Olympic Paris (Pháp) 2024.
Chủ tịch Uỷ ban Olympic thế giới (IOC) Thomas Bach khẳng định tại Hội nghị: “Thế vận hội Olympic là về thể thao. Và không chỉ về thể thao. Thể thao là sức khỏe. Thể thao là hòa nhập. Thể thao là tôn trọng. Thể thao là trao quyền. Thể thao là đoàn kết. Thể thao là hòa bình."
Tổng thống Pháp Macron phát biểu tại Hội nghị: "Sự hiệp lực trong hành động của chúng ta và mọi thứ chúng ta có thể làm cùng với phong trào thể thao là điều hoàn toàn cần thiết". Ông Macron cũng nhận định “Thế vận hội là cách để làm sáng tỏ những gì chúng ta đang làm và khởi động các sáng kiến mới, đồng thời cảm ơn tất cả các khoản đóng góp đã được huy động cho các châu lục: châu Phi, châu Mỹ Latinh và Thái Bình Dương, và tôi cảm ơn các bạn vì sự tham gia hàng ngày theo hướng này."
Các nhà lãnh đạo đã nhất trí về các cam kết trong các lĩnh vực giáo dục và việc làm, sức khỏe và dinh dưỡng, bình đẳng, hòa nhập và bền vững, cùng nhiều chủ đề khác trên cơ sở Thoả thuận Paris về thể thao và phát triển vững.
Thủ tướng chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã gửi tới Hội nghị phát biểu khẳng định “Cùng với cộng đồng quốc tế, Chính phủ Việt Nam ủng hộ và phấn đấu thực hiện các mục tiêu của Thoả thuận Paris về thể thao và phát triển bền vững phù hợp với năng lực, nguồn lực, pháp luật và mục tiêu phát triển của Việt Nam".
Cũng tại Hội nghị, một Liên minh gồm các ngân hàng phát triển công và các tổ chức tài chính khác đã cam kết đầu tư 10 tỷ đô la (9,2 tỷ euro) trên toàn thế giới cho cơ sở hạ tầng thể thao cộng đồng, hòa nhập và bền vững vào năm 2030. Cơ quan Phát triển Pháp cho biết sẽ giải ngân 500 triệu euro cho phát triển bền vững trong thể thao vào năm 2030. Uỷ ban Olympic quốc tế IOC cũng tuyên bố tăng 10% ngân sách dành cho đoàn kết Olympic, lên tới 650 triệu đô la (599 triệu euro) trong giai đoạn 2025-2028.
Những quỹ đề xuất này sẽ hỗ trợ các vận động viên và các chương trình phát triển thể thao trên toàn thế giới. Việc tăng ngân sách này cũng sẽ giúp các Ủy ban Olympic Quốc gia (NOC) đóng góp tích cực vào chiến lược của IOC nhằm tăng cường vai trò của thể thao với tư cách là đối tác quan trọng của của Liên hợp quốc trong việc thúc đẩy SDGs.
Một khoản đầu tư được lên kế hoạch triển khai ở cấp độ trường học, trong đó khuyến khích gia tăng số lượng người khuyết tật tham gia các hoạt động thể chất, thông qua việc thành lập các câu lạc bộ thể thao.
Sau Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về thể thao và phát triển bền vững, Olympic Paris (Pháp) 2024 sẽ khai mạc vào ngày 26/7.
Lam Đan