dân tộc Việt Nam
Tương truyền rằng, đánh yến có nguồn gốc từ câu chuyện về một chàng trai ở “Mường Trời”. Trong một chuyến du xuân xuống hạ giới, chàng đã phải lòng một cô gái và mỗi khi uống rượu say, chàng lại rủ người yêu của mình đánh yến để giã rượu. Yến ban đầu được đánh bằng tay, sau này được đánh bằng vợt gỗ.
Đánh yến vùng cao hình thức không khác với môn thể thao đánh cầu lông ở vùng xuôi là mấy. Cũng là thao tác tung con yến (còn gọi là quả yến) lên không trung, dùng bàn yến đánh qua lại giữa 2 người chơi để đỡ được con yến vào đúng bàn đánh, không để yến rơi xuống đất. Song trò chơi này lại không chỉ đơn thuần là rèn luyện sức khỏe, không tổ chức giải thi đấu, không có luật chơi, không phân thắng-thua. Người chơi chỉ tung con yến và dùng bàn yến đánh qua lại giữa bạn và mình.
Người chơi đánh yến không phân biệt độ tuổi
Cũng không biết từ bao giờ, đánh yến đã trở thành một trò chơi được lưu truyền rộng rãi trong cộng đồng các dân tộc vùng cao, nhất là người Mông ở huyện Quản Bạ (Hà Giang). Quanh năm bận việc nương, rẫy, dịp Tết hay vào những dịp lễ hội, bà con khắp các thôn bản lại chuẩn bị cho mình bàn đánh và con yến thật đẹp.
Nơi chơi yến là một bãi đất trống được chọn trước cho ngày hội đánh yến. Bàn đánh yến được làm bằng gỗ xoan, sa mộc, thông... phải bảo đảm vừa nhẹ, vừa chắc và khó vỡ, nhìn tổng thể gần giống với cái la-két bóng bàn.
Con yến được làm từ lá dứa dại, lá cây đao hoặc một đốt của cây trúc và lông gà. Để cho con yến đẹp, lông gà cắm vào con yến phải được chọn từ con gà trống hoặc gà lôi rừng có hoa. Con yến khi đánh lên không trung có thể bay xa hay bay gần, phù hợp với người chơi là người già hay thanh niên.
Trò chơi dân gian đánh yến là một hình thức kết nối, tăng cường tính tập thể và tinh thần đoàn kết trong cộng đồng
Đánh yến chỉ cần có hai người và một bãi đất bằng không rộng lắm, nếu có nhiều người chơi thì cần bãi đất rộng hơn. Trên những khoảng đất trống, từng đôi một chuyền những cánh yến yêu thương cho nhau, ánh mắt nhìn nhau vấn vương, nụ cười e lệ, má ửng hồng duyên dáng. Theo bà con còn cho biết, ngày xưa đánh yến duy trì một “luật” ở bà con cộng đồng người Mông, nữ mà thua là có cớ để người nam ngỏ lời xin “đằng ấy” về làm dâu nhà mình!...
Đối với người Mông, trò chơi đánh yến không chỉ là một trò chơi dân gian mà nó còn có là một hình thức giao duyên tìm hiểu của trai gái. Bởi khi đánh yến phải đánh theo hình vòng cung, yến được bay cao nhìn giống những con yến đang bay. Quan niệm rất lâu từ trò chơi này là nếu đánh yến 10 phút yến không rơi, chứng tỏ đôi trai gái ấy đã có duyên với nhau. Từ đó, họ tìm hiểu nhau, nếu thấy hợp họ sẽ xây dựng cuộc sống vợ chồng.
Không chỉ là trò chơi thể hiện được sự khéo léo, độ chính xác cao, khả năng phán đoán và sự điêu luyện của đôi tay của người chơi, Đánh Yến còn là sinh hoạt văn hoá độc đáo của người Mông, là hình thức kết nối, tăng cường tính tập thể và tinh thần đoàn kết trong cộng đồng. Vào những ngày lễ hội, vui Xuân, trò chơi dân gian đánh yến luôn nhận được sự hưởng ứng của tất cả mọi người. Đây là dịp để mọi người xích lại gần nhau hơn với tinh thần thể thao vui vẻ, đoàn kết.
PV