Những ngày này, Giải vô địch đấu kiếm quốc gia năm 2024 diễn ra ở Hà Nội. Phát biểu khai mạc giải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, Giải đấu kiếm vô địch quốc gia 2024 diễn ra từ ngày 22 đến 28/10, tại Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức (Hà Nội), quy tụ 200 vận động viên (VĐV) của 8 đoàn đến từ các tỉnh, thành, ngành trên cả nước: Bắc Ninh, Công an nhân dân, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, thành phố Hồ Chí Minh. Các VĐV tranh tài 15 nội dung. Về cá nhân, các kiếm thủ sẽ thi đấu kiếm liễu nam, kiếm liễu nữ, kiếm ba cạnh nam, kiếm ba cạnh nữ, kiếm chém nam, kiếm chém nữ.
Nét chấm phá từ số lượng VĐV
Từ hàng chục năm qua, đấu kiếm đã chứng tỏ là môn thể thao phù hợp với định hướng phát triển của thể thao Việt Nam. Bắt nguồn từ tâm huyết và sự nhạy bén trong định hướng chiến lược phát triển của những người làm thể thao Hà Nội, đấu kiếm được phát triển ra các địa phương, ngành khác. Cũng không ngẫu nhiên khi ở hai kỳ Olympic 2012 và 2016, đấu kiếm Việt Nam từng có VĐV giành vé chính thức tham dự. Rồi ở các kỳ SEA Games, thành tích của các tay kiếm Việt Nam thực sự ấn tượng, chứng tỏ vị thế mũi nhọn của Đoàn Thể thao Việt Nam.
Dù vậy, những mảng sáng như vậy cũng không thể che hết những hạn chế của môn thể thao này tại Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý vẫn là số địa phương, ngành phát triển đấu kiếm còn hạn chế, chưa như kỳ vọng của các nhà quản lý. Nguyên nhân đến từ việc kinh phí đầu tư cho môn thể thao này khá tốn kém, nhất là về trang thiết bị, từ trang phục đến kiếm tập và kiếm thi đấu. Đặc biệt, việc mua sắm trang thiết bị tập luyện, trong đó có kiếm tập và kiếm thi đấu, lại vô cùng khó khăn vì những vấn đề liên quan đến thủ tục cũng như cơ chế mua sắm. Đó cũng là điều dễ hiểu nếu xét ở những khía cạnh khác liên quan đến an ninh.
Nhưng cũng vì thế, nhiều đơn vị đã lựa chọn phát triển môn thể thao khác khi xét đến những hạn chế trong việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị tập luyện, thi đấu của môn này. Trưởng bộ môn đấu kiếm (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội) Phạm Anh Tuấn từng chia sẻ rằng, bộ môn sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị khác muốn phát triển môn đấu kiếm. Nhưng thực tế, đôi khi mong muốn lại không như thực tế do những khó khăn khách quan từ các địa phương.
Cho nên, đến lúc này, vẫn chỉ có chưa đến chục đoàn tham dự Giải vô địch quốc gia – sân chơi đánh giá chuẩn xác nhất về sự phát triển của bộ môn. Con số gần chục đoàn tham dự với hơn 100 VĐV đã trở thành quen thuộc ở mỗi kỳ giải. Điều đó dẫn đến việc tìm nguồn VĐV cho đội tuyển quốc gia cũng bị ảnh hưởng. Điều này cũng lý giải một phần lý do khiến đấu kiếm Việt Nam trong những năm qua không có nhiều lớp VĐV kế thừa xứng đáng những tay kiếm đã thành danh. Và muốn tìm các tay kiếm để đầu tư cho mục tiêu giành vé dự Olympic cũng không dễ với nhà quản lý.
Thời gian gần đây, phía quản lý cũng cố gắng tạo thêm sân chơi trong đó gia tăng số bộ huy chương tại các giải đấu trong hệ thống thi đấu quốc gia, từ 12 bộ huy chương lên 15 bộ huy chương. Việc này cũng kích thích các đoàn đầu tư nhiều hơn cho lực lượng VĐV. Cho nên đến kỳ giải quốc gia năm nay, con số VĐV tham dự mới tăng lên thành 150 VĐV thay vì khoảng 120 VĐV như những mùa giải trước. Số lượng VĐV tăng không quá đột biến nhưng cũng là gợi ý tốt về việc định hướng xây dựng lực lượng, tăng sức hấp dẫn cho giải đấu của môn thể thao luôn có vị trí ổn định trong hệ thống thi đấu từ Olympic đến ASIAD hay SEA Games này.
Vẫn đi tìm lời giải bài toán trang thiết bị
Vui vì số lượng VĐV tăng nhưng bên lề giải đấu, phụ trách bộ môn đấu kiếm (Cục TDTT) Nguyễn Hồng Đăng vẫn trầm ngâm: “Rõ ràng, môn đấu kiếm vẫn còn nhiều dư địa phát triển ở Việt Nam. Nhưng sự không ổn định về nguồn cung cấp trang thiết bị tập luyện, thi đấu vẫn là “điểm nghẽn” không dễ giải. Nếu giải quyết được vấn đề này, hay hiểu đơn giản là có sự ổn định về cơ chế đầu tư, cung cấp trang thiết bị tập luyện, thi đấu thì chắc chắn sẽ có nhiều địa phương phát triển môn thể thao này. Từ đó, chúng ta sẽ có nguồn VĐV đông đảo hơn, giúp các nhà chuyên môn, quản lý có nhiều cơ hội lựa chọn VĐV để đầu tư cho những mục tiêu ở sân chơi Olympic, ASIAD, SEA Games và những sân chơi quốc tế khác”.
Sự trăn trở ấy không chỉ ở cấp chuyên viên phụ trách bộ môn mà còn thấy ở cấp quản lý cao hơn, ở các địa phương đang phát triển môn thể thao này. Câu chuyện đặt hàng về kiếm tập luyện, thi đấu hằng năm từ nước ngoài về (do Việt Nam không đủ điều kiện sản xuất) nhưng cuối cùng lại không mua được do vấn đề thủ tục, khâu bước thực hiện mua sắm đã được chỉ ra từ nhiều năm qua và đến nay vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Cho nên, VĐV mới phải tập luyện với kiếm cũ, không bảo đảm chất lượng hoặc thiếu thiết bị tập luyện.
Trong khi đó, ở trong nước muốn sản xuất cũng không được do có những quy chuẩn nhất định từ Liên đoàn kiếm quốc tế về trang thiết bị tập luyện, thi đấu. Rồi đơn vị nào được phép sản xuất cũng là câu hỏi không dễ trả lời? Không kể, đây cũng là dạng trang thiết bị “nhạy cảm” nên càng phải được kiểm soát chặt chẽ.
Trước mắt để góp phần giải quyết khâu này, một số đội đưa VĐV đi tập huấn nước ngoài. Tuy vậy, đó là cách giải quyết “tốn kém”, không phục vụ được số đông VĐV. Về lâu dài vẫn cần có một cơ chế bảo đảm trang thiết bị đến tay VĐV đấu kiếm đúng ngày, đúng giờ như đặt hàng. Chỉ như vậy mới nói tiếp được chuyện phát triển môn thể thao này rộng khắp. Thậm chí những câu chuyện về đấu kiếm đã được đưa vào phim truyền hình, thu hút nhiều người xem và đương nhiên đi kèm là tăng sức hút cho môn thể thao này với giới trẻ. Nhưng để giữ họ ở lại với đấu kiếm, đương nhiên phải có kiếm tập, kiếm thi đấu thường xuyên, ổn định. Nhờ đó, các địa phương mới có nguồn VĐV, mới có cơ sở để phát triển môn này.
Hồng Hà