Qua trò truyện với bà Hoàng Thị Liễu– Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Than Uyên chúng tôi được biết: Các trò chơi dân gian có vai trò vô cùng quan trọng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của bà con các dân tộc nơi đây. Các trò chơi không chỉ rèn luyện thể chất, sự khôn khéo và sức chịu đựng cho người chơi mà còn góp phần giáo dục về tính tập thể, tinh thần kỷ luật, ý chí, khát vọng vươn lên giành chiến thắng.
Trò chơi đi cà kheo là trò chơi thu hút đông đảo bà con trong Đại hội văn hóa thể thao của xã Mường So, huyện Phong Thổ.
Theo quan sát của phóng viên thì trò chơi dân gian của bà con khá phong phú, bên cạnh các trò chơi thường thấy ở các lễ hội như: ném còn, đánh cù, tó má lẹ, bập bênh, đẩy gậy …thì mỗi dân tộc lại có những trò chơi riêng, tạo nên nét độc đáo, đa dạng trong bản sắc văn hóa.
Ném còn là trò chơi có ở hầu hết các lễ hội truyền thống tỉnh ta. Bà con dùng quả còn được làm bằng vỏ trấu, hạt bông, bên ngoài được bọc vỏ vằng vải và có dây đuôi dài khoảng 60 cm để làm dây tung. Người chơi chia thành hai nhóm, đứng cách nhau 70-100m, có thể một bên nam, một bên nữ, hoặc đan xen cả nam nữ. Quả còn sặc sỡ sắc màu trong bàn tay mềm mại của cô gái tung cho chàng trai bắt lấy rồi tung ngược trở lại. Khi chơi, đòi hỏi người tung phải quay tay từ đằng trước ra đằng sau đủ 3 vòng mới thả tay để còn bay cho đối phương bắt, nếu không bắt được là thua cuộc. Bên thua sẽ mất một đồ vật như vòng tay, chiếc khăn, chiếc mũ, áo. Nếu là nam nữ thanh niên, đây còn là dịp để lấy kỷ vật làm hẹn ước. Ngoài cách chơi trên còn chơi tung còn qua vòng tròn bán nguyệt trên ngọn cây nêu. Tiếng Giáy gọi trò chơi này là "Tòng con", cây nêu cao 7m, vòng tròn bán nguyệt có đường kính 1m dán giấy trắng, giấy đỏ hai mặt tượng trưng trời và đất. Phân ra làm hai nhóm đứng đối diện cây nêu ở giữa, oản tù tì xem bên nào chơi trước. Bên nào ném thủng vòng tròn bên đó thắng. Hội chơi thường bầu trưởng bản hoặc người có uy tín đứng ra làm trọng tài phân định thắng thua cho hai bên.
Nếu như ném còn là trò chơi dân gian mang tính chất phồn thực, gửi gắm khát vọng, tình yêu cuộc sống thì bập bênh là trò chơi mang tính thượng võ, thường có trong các lễ hội của người Mông, Hà Nhì. Cách làm cầu bập bênh cũng rất đơn giản: Tại một bãi đất bằng, cắm một cột gỗ chắc (cao khoảng 1m50) làm trụ, phần trên thẳng lên trời được đẽo nhỏ để xiên thân cây cầu bập bênh (dài khoảng 3- 4 sải tay), sao cho cân bằng giưã hai bên. Khi chơi, cả hai người ngồi giữ tay cầm hoặc ôm vào thân đu quay mặt vào nhau. Một đầu có người được ngồi lên trước để người còn lại kéo cần xuống chạy lấy đà để cây xoay quanh trục, lúc lên lúc bập xuống. Khi muốn dừng phải cho đu quay chậm lại, một bên xuống trước giữ chặt thân quay không cho xê dịch. Tiếp tục các người khác xếp đôi cùng vào chơi đu quay. Bập bênh là dịp để các chàng trai thể hiện lòng dũng cảm, sức khỏe, còn các cô gái thì thông qua cuộc chơi ý tứ chọn cho mình người ưng ý.
Bà con xã Hố Mít, huyện Tân Uyên chơi tù lu tại Ngày hội văn hóa.
Trong lễ hội truyền thống của đồng bào Giáy, Thái…thường không thể thiếu trò chơi tó má lẹ (đánh quả nóc lách). Quả má lẹ là loại quả rừng vừa cứng, tròn, dẹt. Khi chơi phân làm hai nhóm, mỗi nhóm từ 2-3 người trở lên, khi chơi phải oản tù tì xem bên nào được quyền chơi trước. Có 3 mức từ thấp đến cao để chơi, mức một vạch cách xa 1,5 m; mức 2 cách 2,5 m; mức 3 cách 3,5 m có xếp mục tiêu là các quả má lẹ. Người chơi ở mức 1 trước, lấy một quả nóc lách đặt trên đầu gối dùng ngón cái phải và trỏ trái bật cho trúng mục tiêu. Người chưa được chơi xếp cho người kia bắn. Người chơi mức 2 đi 1 nửa vòng, sao cho gần quả mục tiêu, nếu đi quá cao so với mục tiêu là mất lượt, người chơi cùng nhóm phải vào cứu thua cho người chơi trước. Nếu quả má lẹ ở phía dưới người chơi đo gang tay rồi đáp trúng mục tiêu là thắng mức 2, lên chơi mức 3. Người chơi đặt quả má lẹ ở mu bàn chân bước lên trên cho gần mục tiêu (bước 1-2 bước) để đá trúng, không trúng là thua. Bên thua sẽ mời bên thắng về nhà mình vui chơi uống rượu, mừng ngày tết năm mới.
Trò chơi đánh cù (tù lu, quay) thu hút chủ yếu là các em thiếu niên nam, cù được làm bằng gỗ cứng, chắc như gỗ ổi và được ngâm bùn đen bóng. Có hai cách chơi, một cách thi xem cù ai quay tít hơn, cách 2 là chơi bổ cù có đinh vào cù của nhau. Tổ chức thành đội thi cù với nhau rồi vẽ vòng tròn đánh cứu nhau trong vòng, giữa bản này với bản khác cho không khí xuân càng trở nên vui vẻ.
Ngoài ra, còn nhiều trò chơi dân gian khác như: Hát ống, bập bênh, đua ngựa, bắn cung, leo cột, kéo co, ném cầu lông gà, đi cà kheo… vừa làm cho phần hội trở nên sinh động vừa làm phong phú thêm nét văn hóa đặc sắc của 20 dân tộc anh em trên mảnh đất biên viễn.
Tùng Ngọc